Phát hiện tác phẩm "bom tấn" thời kỳ đồ đá trong hang động ở Indonesia

  •  
  • 202

Bức vẽ khắc họa hình ảnh ba người đang tương tác với một con lợn rừng, có niên đại hơn 51.000 năm, là một tác phẩm nghệ thuật kể chuyện sớm nhất được biết đến - một "bom tấn" của thời kỳ đồ đá.

Các nhà khảo cổ Australia vừa phát hiện một tác phẩm nghệ thuật kể chuyện có niên đại hơn 51.000 năm, được vẽ trên vách đá trong một hang động ở vùng Leang Karampuang, phía Nam đảo Sulawesi của Indonesia.

Nghiên cứu mới nhất này đã được công bố trên Tạp chí Nature.

Tác phẩm nghệ thuật cổ đại này đã đánh đổ kỷ lục về bức vẽ lâu đời nhất thế giới có niên đại 45.500 năm, cũng được phát hiện tại khu vực này vào năm 2019.

 Bức tranh hang động hơn 51.000 năm tuổi
Bức tranh hang động hơn 51.000 năm tuổi là tác phẩm nghệ thuật kể chuyện cổ nhất do con người tạo ra. (Nguồn: Griffith University/Nature).

Maxime Aubert, nhà khảo cổ học tại Đại học Griffith của Australia, cho biết ngoài việc là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất được phát hiện, đây cũng kỷ lục mới về nghệ thuật kể chuyện tượng hình sớm nhất được biết đến - một "bom tấn" nghệ thuật của thời kỳ đồ đá.

Bức tranh mới phát hiện khắc họa hình ảnh ba người đang tương tác với một con lợn rừng, được mô tả là một "cảnh tượng bí ẩn" tượng trưng cho "một câu chuyện săn bắn".

Sử dụng một kỹ thuật xác định niên đại mới, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng chất màu được người tiền sử thể hiện bức vẽ trên vách đá có từ ít nhất 51.200 năm trước.

Đây là thời điểm đặc biệt lâu đời đối với một tác phẩm nghệ thuật kể chuyện, vì các tác phẩm nghệ thuật kiểu này không phổ biến cho đến khoảng 14.000-11.000 năm trước Công nguyên.

Hơn 35.000 năm trước, hầu hết nghệ thuật của người tiền sử chỉ giới hạn ở các hình dạng trừu tượng. Một số bức vẽ khắc trên đá thời kỳ này chỉ là các hình nguệch ngoạc mô tả hình dạng và vật thể dễ nhận biết như con người và các loài động vật.

Bức vẽ mô tả sự tương tác của 3 người với một con lợn rừng.
Bức vẽ mô tả sự tương tác của 3 người với một con lợn rừng. (Nguồn: Griffith University/Nature).

Adam Brumm, Giáo sư khảo cổ học tại Đại học Griffith ở Brisbane, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong bức vẽ mới phát hiện, các nghệ sỹ cổ đại đã cẩn thận sắp xếp bốn hình ảnh riêng biệt ở vị trí gần nhau về mặt không gian và miêu tả sự tương tác theo cách cho phép người quan sát suy đoán các hành động diễn ra. Đó là kiểu nghệ thuật kể chuyện.

Phát hiện về nghệ thuật kể chuyện qua những bức vẽ tại hang động ở Indonesia là cực kỳ hiếm, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người.

Maxime Aubert cho biết việc người tiền sử có thể tường thuật một câu chuyện "tinh vi" như vậy thông qua nghệ thuật khiến chúng ta phải xem xét lại sự hiểu biết về quá trình tiến hóa nhận thức của con người.

Khi xã hội con người phát triển phức tạp hơn, các tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, phát triển từ những hình dạng trừu tượng và những nét nguệch ngoạc thành những hình ảnh có tính trực quan, không chỉ đại diện cho thực tế mà còn mang ý nghĩa sâu sắc.

Việc sử dụng hình ảnh minh họa để kể những câu chuyện trực quan về mối quan hệ giữa con người và động vật cho thấy một nền văn hóa kể chuyện phong phú đã phát triển vào giai đoạn đầu trong lịch sử của người hiện đại sơ khai ở khu vực này.

Các nhà khoa học cũng đặt giả thuyết rằng có khả năng các tác phẩm nghệ thuật phức tạp tương tự cũng đã được tạo ra ở nhiều nơi khác trên thế giới vào khoảng thời gian này, nhưng chưa được phát hiện ra.

Cập nhật: 05/07/2024 Vietnam+
  • 202