Phát hiện thành cổ từ thế kỷ IV tại Quảng Nam

  •  
  • 1.815

Khu thành cổ nằm sâu dưới lòng đất huyện Duy Xuyên, Quảng Nam vừa được đoàn khảo cổ phát hiện. Đây là khu thành cổ xây dựng bằng gạch được xác định ban đầu là thành cổ bảo vệ kinh đô Sinhapura của Vương quốc Chăm Pa xưa…

Thành cổ được xây bằng gạch vừa được phát lộ dưới lòng đất tại Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Thành cổ được xây bằng gạch vừa được phát
lộ dưới lòng đất tại Duy Trung, huyện Duy Xuyên.

Đoàn các nhà khảo cổ học thuộc Viện khoa học vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam do thạc sĩ Đặng Ngọc Kính chủ trì phối hợp với các nhà khảo cổ học của Đại học Showa Women’s Unirersity Nhật Bản, tổ chức khai quật trên diện tích khoảng 300m2 tại khu vườn nhà ông Nguyễn Quang Thiên tại làng Viên Thành, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Sau hơn 16 ngày, qua các hố khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện một đoạn thành cổ xây bằng gạch nằm sâu dưới lòng đất từ hàng chục nghìn năm nay cùng nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị, hé lộ những bí ẩn được chôn chặt dưới lòng đất hàng chục thế kỷ qua.

Gạch xây thành cổ.
Gạch xây thành cổ.

Theo các bậc cao niên đang sống tại làng Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên cho biết, đây là khu thành cổ của người Chăm Pa xây dựng rất lâu bao bọc quanh kinh đô cổ Sinhapura của Vương quốc Chăm Pa xưa.

Nhiều ẩn mật chứa đựng nơi thành cổ dưới lòng đất này đang được các nhà khoa học giải mã. Trưởng đoàn khai quật, Thạc sĩ khảo cổ học Đặng Ngọc Kính cũng như Tiến sĩ khảo cổ học Yamagata Mariko và Thạc sĩ khảo cổ học Nguyễn Khánh Trung Kiên cho biết, rất nhiều điều bí mật nơi khu thành cổ này đang được dần giải mã.

Một đoạn thành cổ vừa được phát hiện với bờ thành được xây bằng gạch chạy song  song với nhau ở giữa là đất sét và hai bên bờ thành cũng được gia cố bằng đất sét.
Một đoạn thành cổ vừa được phát hiện với bờ thành được xây bằng gạch chạy song
song với nhau ở giữa là đất sét và hai bên bờ thành cũng được gia cố bằng đất sét.

Tại hố khai quật có chiều dài khoảng 20m, chiều ngang khoảng 2m, và sâu khoảng 50 - 60cm, sau khi bóc tách phần đất mặt các nhà khảo cổ học đã phát lộ một đoạn thành cổ được xây dựng hai bên là gạch ở giữa bờ thành được nện đất sét.

Qua đo đạc, bề mặt thành xây gạch rộng 1,5 - 1,6m. Hai thành xây bằng gạch này chạy song song với nhau, ở giữa bờ thành là đất sét nện chặt có chiều rộng khoảng 2,2m.

Điều làm các nhà khoa học ngạc nhiên là phía ngoài 2 mặt thành được đắp bằng đất sét bao phủ. Mỗi bên có chiều rộng khoảng 2m.

Đoạn thành cổ mới được khai quật
Đoạn thành cổ mới được khai quật

Đo đạc ban đầu, các nhà khoa học xác định mặt thành bao gồm phần đất sét đắp hai bên, cùng hai bờ thành bằng gạch, ở giữa nện đất sét có tổng chiều rộng hơn 9m.

Kiểm tra về mặt cấu trúc của bề mặt thành xây bằng gạch sau phát lộ rất kiên cố. Theo các nhà khoa học, thành cổ này xây dựng kiên cố và với kỹ thuật rất cao.

Cấu trúc bề mặt thành cổ
Cấu trúc bề mặt thành cổ

Trưởng đoàn khai quật, Thạc sĩ khảo cổ học Đặng Ngọc Kính cho biết mục đích của đợt khai quật này là để các nhà khoa học tìm hiểu về tổ chức của thành cổ này như thế nào. Đặc biệt là tìm các cứ liệu lịch sử để xác định niên đại của khu thành cổ này.

Quá trình khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mảnh ngói và gạch vỡ vụn. Riêng tường thành vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt trong quá trình tìm kiếm tại các hố khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện một kendi (bình đựng nước có vòi dùng để hành lễ) đã bị vỡ.

Một bình kendi (bình đựng nước) bị vỡ được phát hiện trong hố khai quật.
Một bình kendi (bình đựng nước) bị vỡ được phát hiện trong hố khai quật.

Ngoài một kendi còn có nhiều mãnh ngói bị vỡ và gạch được các nhà khoa học lưu giữ để nghiên cứu.

Những mãnh ngói được phát hiện dưới hố khai quật.
Những mãnh ngói được phát hiện dưới hố khai quật.

So với các thành cổ được khai quật trước đó, các nhà khoa học đưa ra nhận định: Đây là khu thành cổ có cấu trúc xây bằng gạch rõ ràng với 2 lớp gạch 2 bên, ở giữa nện bằng đất sét rất kiên cố.

Sau khi khai quật và phát hiện nhiều hiện vật, các nhà khoa học đã tham chiếu các tư liệu lịch sử đưa ra nhận định ban đầu là khu thành bao bọc quanh kinh đô Sinhapura của Vương quốc Chăm Pa. Nay là Trà Kiệu. Thành cổ này được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 4-5.

Dự kiến đợt khai quật khu thành cổ này sẽ kết thúc vào ngày 10/3 đến. Sau đó sẽ có báo cáo khoa học sau khai quật tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.

Đây có thể khẳng định là khu thành cổ nhất được phát hiện tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Điều lý thú là thành cổ này được xây dựng bằng gạch và đất sét chìm sâu dưới lòng đất và vẫn còn tồn tại đến ngày nay mặc dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử cùng như thiên tai và chiến tranh tàn khốc.

Sự phát hiện khu thành cổ người Chăm Pa tại Duy Xuyên sẽ là tín hiệu vui khi trên bảng đồ Di sản có thêm một di tích của người xưa để lại với nhiểu ẩn mật đang dần được các nhà khoa học giải mã.

Theo Vietnamnet
  • 1.815