Mới đây một trữ lượng đất hiếm khổng lồ vừa được phát hiện tại miền Nam Afghanistan. Theo ước tính của các nhà khoa học, dựa trên nhu cầu hiện tại, 1.000.000 tấn đất hiếm vừa được tìm thấy trong đó có antan, xeri và neodymium, có thể cung cấp đủ cho cả thế giới trong vòng 10 năm tới.
>>> Nhật Bản phát hiện mỏ đất hiếm dưới đáy đại dương
Mỏ khai thác đất hiếm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Robert Tucker, nhà khảo sát địa chất Mỹ, người dẫn đầu đoàn nghiên cứu, số lượng đất hiếm tại đây có khả năng lớn hơn nhiều vì đặc thù địa hình tại khu vực khảo sát, gần biên giới Pakistan, là khu vực nguy hiểm nhất Afghanistan nên các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác con số trên thực tế.
“Tôi cho rằng tính toán của chúng tôi chưa chính xác. Nếu chúng tôi có thêm thời gian, và nhân lực, chắc chắn khám phá sẽ không dừng lại ở đó", Robert Tucker cho Scientific American biết trong một cuộc phỏng vấn.
Với phát hiện trên, Afghanistan trở thành quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 6 thế giới đứng sau Trung Quốc (50 triệu tấn), Hoa Kỳ (12 triệu tấn), Úc (5,2 triệu tấn), Ấn Độ (1,1 triệu tấn)….
Đất hiếm là những nguyên tố quý, hiếm có trong lòng đất, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar... Dù là tài nguyên quý, nhưng trong đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ. Vì thế, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường.