Trong báo cáo đầu tiên về năng lượng sạch toàn cầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định thế giới đã đạt được thành công đầy ấn tượng trong việc phát triển công nghệ năng lượng sạch trên toàn cầu.
IEA nhấn mạnh, những phát triển chính sách then chốt, nguồn đầu tư công vào nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái sinh, năng lượng hạt nhân, nhiên liệu sinh học, hiệu quả năng lượng, phương tiện vận tải chạy điện, thu và tồn trữ khí CO2 cũng như hiện trạng triển khai các nguồn năng lượng này trên toàn cầu. Các biện pháp hỗ trợ chính sách này trong thập kỷ qua đã làm tăng tích cực nguồn năng lượng tái sinh.
Kể từ năm 1990, tổng công suất phát điện từ nguồn năng lượng tái sinh đã tăng trung bình hàng năm 2,7%. Ít nhất 10 nước trên thế giới đã có thị trường quy mô lớn trong nước về năng lượng Mặt trời. Năng lượng gió đã phát triển đầy ấn tượng trong thập kỷ qua với tổng công suất phát điện trên toàn cầu vào cuối năm 2010 đạt 194 GW, tăng hơn 10 lần so với mức 17 GW vào cuối năm 2000.
IEA kêu gọi các chính phủ trợ giúp tích cực để triển khai mạnh mẽ các phương tiện vận tải chạy bằng điện hoặc vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng nhiên liệu hóa thạch với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 20 triệu phương tiện này được đưa vào sử dụng.
Để đạt mục tiêu trên, các chính phủ cần phát triển thị trường phương tiện này bền vững trong 10 năm tới với những khuyến khích về giá bán, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nạp năng lượng điện thích hợp, tài trợ nghiên cứu và phát triển, hợp tác phát triển hệ thống giao thông quốc gia, khu vực và đô thị cùng các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng vọt về nhiên liệu hóa thạch trong nhiều năm qua đã phủ bóng đen lên những thành công ấn tượng trong việc phát triển công nghệ năng lượng sạch. IEA kêu gọi các chính phủ thực hiện chính sách năng động hơn về năng lượng sạch, loại bỏ hoàn toàn mọi trợ cấp năng lượng hóa thạch và thực hiện chính sách khuyến khích minh bạch hơn đối với năng lượng sạch.
Ông Richard Jones, Phó Giám đốc điều hành IEA, cảnh báo sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch đang đe dọa sự bền vững của môi trường, đồng thời tạo ra những nguy cơ ngắn hạn gây bất ổn chính trị. Chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít khí thải và cải thiện hiệu quả các nguồn năng lượng phải là ưu tiên cao nhất của thế giới trong việc sử dụng năng lượng.
Để đáp ứng chỉ tiêu giảm 50% lượng khí thải CO2 trong tiêu dùng năng lượng toàn cầu vào năm 2050, nghiên cứu của IEA khẳng định ngoài việc thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, thế giới cần phát triển công nghệ thu và tồn trữ khí thải CO2.
Theo tính toán của IEA, hiện thế giới đã có năm dự án quy mô lớn liên quan tới công nghệ trên, nhưng sẽ cần tới 100 dự án như vậy vào năm 2020 và 3.000 dự án vào năm 2050.