Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã nhận được những phàn nàn hàng ngày của các phi công về việc họ "bị mù" khi bay ngang qua nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới ở tiểu bang California, phía tây nước này.
>>> Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới đi vào hoạt động
Nhà máy điện mặt trời Ivanpah, lớn nhất thế giới được xây dựng trải dài trên diện tích 13km2 ở sa mạc Mojave, gần biên giới hai tiểu bang California - Nevada của Mỹ. Hệ thống này sử dụng 173.500 tấm gương có chiều cao hơn 2m và chiều rộng khoảng 3m, để phản xạ ánh sáng mặt trời nhằm đun nóng các nồi hơi đặt trên tháp điện ở độ cao 140m.
Các tấm gương phản chiếu ánh sáng mặt trời được cho là thủ phạm khiến các phi công bay ngang qua nhà máy Ivanpah bị "mù lòa" tạm thời. (Ảnh: Getty Images)
Năng lượng mặt trời được sử dụng để tạo ra hơi nước trong các nồi hơi và đẩy ra các tua-bin để tạo ra điện. Với diện tích khổng lồ, nhà máy Ivanpah có thể tạo ra gần 400 megawatt điện sạch, đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của 140.000 hộ dân. Ivanpah bắt đầu sản xuất điện từ tháng 12/2013.
Từ tháng 8 năm ngoái, FAA đã nhận được các đơn trình báo của 2 phi công bị ánh sáng chói lòa từ các tấm gương năng lượng làm "bị mù" khi đi qua khu vực này. Một trong hai phi công mô tả, nó giống như việc bạn nhìn trực tiếp về phía mặt trời chói chang. Anh nói, điều này vô cùng tai hại vì tổ lái không thể định hướng và quét bầu trời để tránh va chạm với các máy bay khác.
Cơ quan kiểm soát không lưu Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo về những nguy hiểm của các tấm gương phản xạ ánh sáng mặt trời, sau khi liên tục nhận được những lời phàn nàn của các phi công bay ngang qua cơ sở Ivanpah vào cuối buổi sáng và đầu buổi chiều. Hàng ngày, có tới hàng chục chuyến bay di chuyển qua vùng không phận này.
Phát ngôn viên của FAA tuyên bố, cơ quan này đã biết về sự chói lòa nguy hiểm từ các nhà máy điện mặt trời và đang tìm ra cách tốt nhất để cảnh báo cho các phi công. Việc lắp đặt các tấm gương thuộc hệ thống Ivanpah từng được điều chỉnh để giảm thiểu nguy cơ gây lòa cho phi công bay ở độ cao 1.000m.