Các chuyên gia sản khoa đến từ Bỉ tuyên bố, chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể được cắt giảm đáng kể từ hàng ngàn Bảng hiện nay xuống chỉ còn khoảng 170 Bảng (tương đương 5,4 triệu đồng tiền Việt) trong thời gian tới.
Có con luôn là khao khát cháy bỏng của hàng triệu cặp đôi vô sinh hoặc hiếm muộn trên thế giới. Tuy nhiên, phương pháp chữa trị vô sinh bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) khá đắt đỏ và không phải cặp vợ chồng nào, kể cả ở các nước phát triển, cũng đủ điều kiện kinh tế để thực hiện nó.
Ở Anh, chi phí cho một lần làm IVF lên tới gần 5.000 Bảng (tương đương 158,9 triệu đồng tiền Việt). Theo các chuyên gia, người ta cần có hàm lượng khí carbon dioxite cao khi nuôi dưỡng phôi thai trong ống nghiệm nhằm kiểm soát mức axit. Quá trình này được duy trì bằng cách sử dụng các lồng ấp carbon dioxite, khí y tế và thiết bị thanh lọc không khí.
Chi phí cho một lần thực hiện kỹ thuật IVF mới của Bỉ chỉ khoảng 5,4 triệu đồng tiền Việt. (Ảnh minh họa: co-parentmatch.com)
Thay vì sử dụng các trang thiết bị đắt tiền trên, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ sinh sản Genk (Bỉ) đã trộn axit xitric rẻ tiền với axit carbonat trong nước soda để tạo ra carbon dioxite.
Giáo sư Willem Ombelet, người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Chúng tôi đã thành công với kỹ thuật gần giống Alka-Selzer. Các kết quả ban đầu cho thấy, kỹ thuật của chúng tôi ít nhất cũng tốt tương đương kỹ thuật IVF thông thường. Đã có 12 em bé khỏe mạnh ra đời từ phương pháp của chúng tôi".
Theo dữ liệu đệ trình tại hội thảo của Hiệp hội Phôi học và sinh sản người châu Âu, tỉ lệ thụ thai thành công bằng phương pháp rẻ tiền mới đạt 30%, gần tương đương kỹ thuật IVF phổ biến hiện nay. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu ước tính, chi phí cho một lần thực hiện phương pháp IVF mới có thể giảm xuống chỉ còn bằng 10 - 15% giá dịch vụ IVF thông thường ở các nước phương Tây.
Tuy nhiên, kỹ thuật IVF mới vẫn có nhược điểm là không thể thay thế hoàn toàn phương pháp IVF thông thường, vì nó không hiệu quả ở những trường hợp vô sinh nặng, đòi hỏi việc chữa trị tiên tiến hơn, trong đó tinh trùng được bơm thẳng vào trứng (kỹ thuật ICSI).
Dẫu vậy, giáo sư Ombelet nhấn mạnh, kỹ thuật IVF mới sẽ giúp người dân ở các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với việc chữa trị vô sinh. Nhà nghiên cứu này nói: "Nếu bạn không có con ở châu Phi hay ở Nam Mỹ hoặc châu Á, đó là một thảm họa, xét cả về góc độ kinh tế và tâm lý. Họ sẽ tống bạn ra khỏi nhà. Chúng ta cần phải giúp họ".
Ngay cả ở các nước phương Tây giàu hơn, nhiều cặp vợ chồng cũng không có khả năng theo đuổi việc chữa trị IVF tốn kém nên nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ đang rất được quan tâm.