Sau nhiều lần trì hoãn, bộ đôi tên lửa và tàu vũ trụ của nhiệm vụ Artemis 1 rời bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy lúc 13h48 ngày 16/11 (giờ Hà Nội).
Hai phương tiện của nhiệm vụ Artemis I gồm tàu vũ trụ Orion, đặt trên đỉnh tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS), được vận chuyển đến bệ phóng hôm 4/11. Đây là lần thứ 4 bộ đôi này lên bệ phóng.
Hai lần đầu diễn ra vào tháng 3 và tháng 6 để thử nghiệm nạp nhiên liệu trước khi phóng, lần thứ ba vào giữa tháng 8 để phóng lên không gian nhưng bị hoãn do sự cố rò rỉ hydro lỏng và động cơ quá nhiệt. Bộ đôi được đưa trở lại Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB) của Trung tâm Vũ trụ Kennedy hồi cuối tháng 9 để tránh bão Ian, sau đó thực hiện những công đoạn bảo dưỡng, sửa chữa và thử nghiệm nhỏ.
Tàu Orion cất cánh tới quỹ đạo Mặt trăng trên đỉnh lên lửa SLS. (Ảnh: NASA).
Tên lửa SLS và tàu Orion là hai trong số những thành phần cốt lõi trong kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng của NASA. SLS là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng chế tạo, nặng khoảng 2.500 tấn và cao gần 100 m. Trong khi đó, tàu Orion nặng 23 tấn và có đường kính 5 m.
Artemis I là nhiệm vụ mở đầu cho chương trình Artemis của NASA nhằm đưa con người lên Mặt trăng sinh sống và làm việc lâu dài. Trong nhiệm vụ dự kiến kéo dài 42 ngày, tàu vũ trụ không chở người Orion sẽ phóng tới quỹ đạo Mặt trăng nhờ tên lửa SLS, sau đó bay quanh Mặt trăng rồi quay về Trái Đất.
Mục tiêu chính của sứ mệnh là chứng minh cả hai phương tiện đã sẵn sàng để bắt đầu phóng phi hành gia lên Mặt trăng cũng như các điểm đến không gian sâu khác.
Artemis I cũng sẽ triển khai các vệ tinh Cubesat và thực hiện một loạt thí nghiệm khoa học để phân tích bề mặt Mặt trăng và nghiên cứu cách bức xạ không gian ảnh hưởng đến sự sống của tế bào.
Theo lộ trình, chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis được chia làm ba giai đoạn. Nếu mọi việc thuận lợi, sau nhiệm vụ Artemis I không phi hành đoàn, Artemis II sẽ đưa các phi hành gia bay quanh Mặt trăng vào khoảng năm 2024 và phi hành gia sẽ hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng năm 2025 ở Artemis III.