Dù đang chạy đua vào ghế thị trưởng hay tìm kiếm một công việc văn phòng thì phái đẹp không nên nổi nóng trước đám đông.
Science Daily cho biết, trong nhiều năm qua nhà tâm lý Victoria Brescoll của Đại học Yale, Mỹ nhận thấy phụ nữ luôn phải trả một cái giá nào đó nếu họ thường xuyên giận dữ, trong khi nam giới lại được đánh giá cao hơn nếu nổi cơn tam bành.
Chiến dịch tranh cử vị trí ứng cử viên tổng thống trong nội bộ đảng Dân chủ của đương kim Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton vào năm 2008 khiến dư luận Mỹ đặt câu hỏi: Liệu sự giận dữ có ảnh hưởng tới khả năng thành công của các nữ chính trị gia nói riêng và phái đẹp nói chung hay không? Vì thế Brescoll quyết định tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu vấn đề này cùng với nhà tâm lý Eric Uhlmann của Đại học Northwestern, Mỹ.
Hai chuyên gia cho các tình nguyện viên (cả nam và nữ) xem những đoạn video mà trong đó các nhân vật thể hiện sự giận dữ trong quá trình tìm việc làm. Các tình nguyện viên được yêu cầu đánh giá năng lực của những người xin việc trong các đoạn video rồi ra quyết định có nên tuyển họ hay không và sẽ trả lương thế nào.
Kết quả cho thấy, mọi tình nguyện viên đều đánh giá cao đàn ông nóng tính. Họ cho rằng những đấng mày râu như thế đáng được trao trách nhiệm lớn trong công việc, hưởng lương cao và sẽ thực hiện công việc tốt hơn so với phụ nữ nóng tính.
Khi nhóm nghiên cứu chiếu những đoạn video mà trong đó các nhân vật thể hiện thái độ buồn bã, rụt rè trong quá trình xin việc thì thành kiến của tình nguyện viên đối với nam và nữ trở nên kém rõ ràng hơn. Họ đánh giá năng lực của các ứng cử viên nam và nữ ngang nhau, nhưng vẫn nghĩ đàn ông buồn bã, rụt rè xứng đáng hưởng mức lương cao hơn so với phụ nữ.
Trong thử nghiệm thứ hai Brescoll và Uhlmann cho tình nguyện viên xem đoạn video mà trong đó các ứng cử viên tham gia cuộc phỏng vấn tuyển dụng đối với những công việc thấp kém. Một số ứng cử viên thể hiện thái độ nóng nảy, còn những ứng cử viên khác không bộc lộ cảm xúc. Kết quả cho thấy tình nguyện viên vẫn đánh giá đàn ông cao hơn phụ nữ khi cả hai đối tượng nổi cơn tam bành. Tuy nhiên, sự thiên vị này biến mất đối với những ứng cử viên nam và nữ không bộc lộ cảm xúc.
Thử nghiệm cuối cùng được thực hiện để tìm ra cách giúp phụ nữ nóng tính giành được thiện cảm của xã hội. Tình nguyện viên xem những đoạn phim mà trong đó các nhân vật nữ giải thích tại sao họ nổi nóng. Brescoll nhận thấy tình nguyện viên chỉ đánh giá cao phụ nữ nếu họ giận dữ vì một thành viên trong gia đình bị đối xử tàn tệ. Ngược lại, đàn ông luôn bị đánh giá thấp khi họ giải thích nguyên nhân dẫn đến cơn tam bành. Brescoll nhận định rằng, khi đàn ông giải thích nguyên nhân của cơn giận, những người quan sát thường cho rằng đó là biểu hiện của tính cách yếu đuối.
“Dư luận luôn nhìn nhận phụ nữ nóng tính là những người không có năng lực, bất kể họ nắm giữ vị trí nào trong xã hội”, Brescoll kết luận.