Phục dựng gương mặt người đàn ông chôn dưới nhà xí 1.500 năm

  •  
  • 1.318

Người đàn ông Trung Cổ chôn cùng 13 hài cốt khác không cùng gia đình, được cho là đều giao thiệp tốt và có địa vị xã hội cao.

Các nhà khảo cổ nghiên cứu kỹ hơn hài cốt của một người đàn ông chôn cùng 5 trẻ em và 8 người lớn khác trong pháo đài La Mã ở Cramond, gần Edinburgh, Scotland. Những hài cốt này nằm trong một nhà xí mà quân La Mã sử dụng khi chiếm đóng Scotland hàng thế kỷ trước. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences hôm 24/3.

Gương mặt phục dựng của người đàn ông từ Loch Lomond đến Cramond và chết vào thế kỷ 6.
Gương mặt phục dựng của người đàn ông từ Loch Lomond đến Cramond và chết vào thế kỷ 6. (Ảnh: Đại học Aberdeen)

14 hài cốt này được phát hiện lần đầu năm 1975. Khi đó, các nhà khoa học cho rằng họ sống trong thế kỷ 14, có lẽ là nạn nhân của đại dịch Cái Chết Đen. Tuy nhiên, phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon hiện đại cho thấy họ sống vào thế kỷ 6. Đây là thời kỳ hỗn loạn và còn nhiều bí ẩn trong lịch sử nước Anh.

Phân tích đồng vị răng cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cuộc sống của những người này trong quá khứ, bao gồm chế độ ăn và nguồn gốc địa lý.

"Thức ăn và nước uống mà một người tiêu thụ sẽ để lại dấu ấn đặc biệt trong cơ thể, từ đó có thể truy ra nguồn gốc, chế độ ăn và những nơi từng đến. Men răng, đặc biệt là từ những chiếc mọc trong giai đoạn 3 - 6 tuổi, giống như "hộp thời gian" lưu giữ thông tin hóa học về nơi người đó lớn lên", giáo sư Kate Britton, thành viên nhóm nghiên cứu, nhà khảo cổ tại Đại học Aberdeen, cho biết.

Trước đây, các chuyên gia từng nhận định người đàn ông và những người chôn trong pháo đài La Mã ở Cramond là một gia đình. Tuy nhiên, kết quả phân tích mới cho thấy trong số này có 6 người sinh ra và lớn lên ở Cramond và một phụ nữ đến từ bờ biển phía Tây.

Người đàn ông không thuộc cùng gia đình với họ mà lớn lên ở vùng Loch Lomond, sau đó đi tới Cramond, nơi từng là trung tâm chính trị quan trọng thu hút những cá nhân giao thiệp tốt trong thời kỳ Scotland xảy ra nhiều hỗn loạn. Người này được các nhà khoa học phục dựng gương mặt và gọi là "kẻ lang thang Trung Cổ".

Nghiên cứu mới cho thấy việc di cư ở Scotland đầu thời Trung Cổ diễn ra phổ biến hơn nhiều so với những gì giới chuyên gia từng nghĩ. "Người ta thường cho rằng việc đi lại trong thời kỳ này sẽ bị hạn chế vì không có những con đường như chúng ta ngày nay và do các vấn đề chính trị. Kết quả phân tích nhóm hài cốt ở Cramond cùng những khu chôn cất khác từ đầu thời Trung Cổ ở Scotland cho thấy, việc nơi chôn cất cách xa nơi lớn lên không hề bất thường", tiến sĩ Orsolya Czére, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

"Các nghiên cứu trước đây chỉ ra, những người được chôn cất ở đây có địa vị xã hội cao, thậm chí là quý tộc. Phân tích mới của chúng tôi cho thấy họ là những người giao thiệp tốt và từng đi rất nhiều nơi", Czére nói thêm.

Sự di cư này có thể đã dẫn đến những phát triển văn hóa mới, sự trao đổi gene và cả những xung đột xã hội gay gắt. Một số người chôn trong nhà xí có khả năng chịu một cái chết khủng khiếp. Các nhà khoa học phát hiện dấu vết cho thấy một phụ nữ và một trẻ em dường như bị đánh mạnh vào đầu bằng vật cùn, có thể là đầu cán của cây giáo.

Cập nhật: 31/03/2022 Theo VnExpress
  • 1.318