Phương pháp mới: Chữa bỏng bằng da cá rô phi

  •  
  • 3.211

Một phụ nữ Brazil hiện là một trong những người đầu tiên trên thế giới được áp dụng phương pháp dùng da cá rô phi để điều trị bỏng, thay cho các phương pháp chữa truyền thống.

Maria Ines Candido da Silva, 36 tuổi, nhân viên phục vụ bàn tại nhà hàng Casa Velha, Russas, Brazil bị bỏng nặng ở vùng mặt, tay, chân và cổ khi bình gas phát nổ tại nơi làm việc.

Các bác sĩ điều trị cho Maria đã sử dụng da cá rô phi để đắp lên các vết bỏng thay cho thuốc mỡ và băng gạc truyền thống. Sau 11 ngày điều trị, phần lớn các lớp da cá ở cổ và mặt đã được gỡ bỏ, còn các vết bỏng sâu ở chân và tay sẽ cần nhiều thời gian điều trị hơn.

Trong suốt thời gian này, các bác sĩ kiểm tra tình trạng vết thương hai ngày một lần. Họ thay da cá nhiều lần để đảm bảo vệ sinh và tạo điều kiện phục hồi các mô đã bị phá hủy. Họ dùng một loại dầu bôi trơn để tách các miếng da cá ra, không gây ảnh hưởng đến vết thương.

Phương pháp mới này do một nhóm các bác sĩ thuộc Viện Bỏng José Frota ở Fortaleza, Brazil nghiên cứu và phát triển. Loại cá được chọn thuộc chi Tilapia sống ở vùng nhiệt đới, phổ biến nhất ở châu Phi.

Da cá rô phi được bệnh viện ở Brazil sử dụng như một phương pháp hữu hiệu để chữa bỏng.
Da cá rô phi được bệnh viện ở Brazil sử dụng như một phương pháp hữu hiệu để chữa bỏng. (Ảnh: Ijf Burns Unit/Caters News Agency).

Tiến sĩ Edmar Maciel, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra da cá rô phi có thể điều trị được các vết bỏng trên con người. Thời gian để chữa lành các vùng da bị tổn thương khi sử dụng phương pháp đắp da cá so với các loại kem bôi là như nhau. Tuy nhiên, phương pháp mới làm giảm đau đớn rõ rệt cho bệnh nhân, và tránh được việc các vết bỏng cọ sát với quần áo. Hơn nữa, chi phí điều trị cũng rẻ hơn rất nhiều".

Theo tiến sĩ Maciel, kết quả phân tích cho thấy da cá rô phi chứa hàm lượng tối ưu collagen loại 1 và có độ ẩm cao, nên lâu bị khô. Da cá rô phi giúp giảm thiểu sự mất nước, huyết tương, cung cấp các protein cần thiết cho các vết thương và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đây là những đặc điểm quan trọng để đẩy nhanh quá trình chữa lành các vết bỏng trên cơ thể con người.

Các nhà khoa học chọn cá rô phi vì đây là loài cá nước ngọt rất phổ biến ở Brazil. Cá được các trang trại nuôi đại trà và cung cấp cho nhiều nhà hàng, nhưng hầu như tất cả da cá đều bị vứt bỏ.

Da cá được nhóm nghiên cứu thu về sẽ được xử lý nghiêm ngặt trước khi đưa vào điều trị. Đầu tiên da cá được loại bỏ vảy, các mô thừa, khử mùi tanh, loại bỏ chất độc và các yếu tố có khả năng lây nhiễm bệnh. Sau đó, da cá sẽ được kéo dãn thành các khổ từ 10-20 cm và được lưu trữ tại một ngân hàng đông lạnh ở Sao Paulo trong vòng 2 năm.

Hiện nay, nhiều nước Nam Mỹ vẫn thường sử dụng Sulphur Sulphadiazine để điều trị bỏng trong khoảng 14 ngày. Gạc và băng phải được thay hàng ngày để tránh nhiễm trùng và gây mùi khó chịu. Bệnh nhân phải dùng một lượng lớn thuốc giảm đau, điều này cũng có thể gây trở ngại cho quá trình điều trị.

Chính vì lẽ đó, việc lựa chọn da cá rô phi để chữa bỏng được coi là một bước tiến quan trọng của ngành y khoa tại Brazil. Bệnh nhân Maria Ines Candido da Silva là một trong những người đầu tiên được thử nghiệm với phương pháp điều trị mới này vào đầu tháng 10.

Cô cho biết: "Khi các bác sĩ đưa da cá lên các vết thương, tôi cảm thấy rất lạnh, nhưng sau đó không hề thấy đau đớn nữa, và dễ chịu hơn. Da cá cũng không hề có mùi khó chịu".

Maria còn hài hước cho biết cô cảm thấy như được hóa thân thành một nhân vật trong phim khoa học viễn tưởng mà không phải bệnh nhân.

Cập nhật: 20/12/2016 Theo Zing
  • 3.211