"Quả cầu lõm" vũ trụ khoét lỗ thủng 1,3km ở Mỹ?

  •  
  • 304

Địa danh nổi tiếng Barringer Crater ở bang Arizona - Mỹ có thể là "tác phẩm" của một quả cầu méo mó gồm hàng ngàn mảnh ghép với nhau bằng tương tác hấp dẫn.

Theo mô tả trên tạp chí khoa học Physical Review E, bạn có thể hình dung "quả cầu lõm" tạo nên Barringer Crater giống như quả bóng chày bị lõm vào bởi lực cản khi tiếp xúc với mặt gậy.

Tuy nhiên, kẻ tấn công ngoài hành tinh này không mang vẻ ngoài kỳ dị vì một cú va chạm, mà bằng chính kết cấu đặc biệt của nó.

Miệng hố va chạm Barringer Crater ở Arizona
Miệng hố va chạm Barringer Crater ở Arizona có thể là "tác phẩm" của một quả cầu lõm tấn công Trái đất 46.000 năm trước - (Ảnh: Stephan Hoerold).

Mô tả này dựa trên nghiên cứu về các hố va chạm rải rác trên hành tinh chúng ta. Đối chiếu nhiều dạng hố va chạm lớn nhỏ, các nhà khoa học xác định các miệng hố sắc nét, to lớn nhưng không quá sâu như Barringer Crater phải được tạo ra bởi thứ đặc biệt.

Nó không phải dạng thiên thạch nguyên khối, quay nhanh, mà được tạo thành bởi hàng ngàn mảnh, bị "dán" lại với nhau tương tác hấp dẫn, quay chậm hơn và do độ liên kết khá lỏng lẻo nên có hình dạng quả cầu bị lõm.

Quả cầu nhiều mảnh này không chỉ tồn tại trên lý thuyết. Bennu là ví dụ.

Sứ mệnh gần đây của NASA là OSIRIS-REx đã thu thập các mẫu từ tiểu hành tinh Bennu, xác nhận rằng không phải tất cả tiểu hành tinh và các dạng thiên thạch nhỏ hơn khác là nguyên khối, mà có thể là những khối đá nhỏ hơn được tương tác hấp dẫn liên kết.

Tiến sĩ Erick Franklin từ Đại học Campinas (Brazil), đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, cho biết việc tìm hiểu về độ quay và vón cục của tiểu hành tinh sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách hình thành các miệng hố va chạm khác nhau, cũng như cách mà vật chất va chạm lan rộng sau khi xảy ra vụ tấn công.

Theo Live Science, các mô hình cho thấy vì một phần năng lượng của tiểu hành tinh không nguyên khối khi va chạm được dùng vào việc phân tán các mảnh từ chính vật thể đó, nên không khoét sâu vào Trái đất như các miệng hố va chạm khác.

Ngoài Barringer Crater, một số hố va chạm khác có thể được cấu thành từ thứ đặc biệt này, bao gồm Flynn Creek Crater ở bang Tenessee nước Mỹ.

Các kết quả này cũng vô cùng giá trị đối với các sứ mệnh phòng thủ Trái đất mà nhiều cơ quan vũ trụ khắp thế giới - bao gồm NASA - đang chú trọng.

Bởi lẽ, biết được kết cấu của những thứ có tiềm năng va chạm với Trái đất và cách mà từng loại sẽ tác động khi va chạm sẽ giúp thiết kế các sứ mệnh phá hủy hoặc chuyển hướng chúng hiệu quả hơn.

Barringer Crater, còn gọi là Meteor Crater, là một hố sâu có đường kính 1,3 m, sâu 174m nằm trong sa mạc cách TP Winslow bang Arizona - Mỹ 30km về phía Tây.

Cập nhật: 14/12/2023 NLĐ
  • 304