Và con quái thú Nian cũng bắt đầu từ một trong những truyền thuyết dân gian của Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm. Khi đó, người người nhà nhà sum họp trong đêm Giao thừa để đón Tết.
Đây là truyền thống cổ xưa đã tồn tại ít nhất 3.400 năm trước và có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống tinh thần của con người. Phong tục cụ thể ở từng nơi có những đặc điểm khác nhau, điển hình như cách lý giải về các sự vật hiện tượng hoặc truyền thuyết dân gian cũng có nét riêng.
Theo như những giai thoại được lưu giữ đến ngày nay, Nian (có nghĩa là "năm" hoặc "năm mới") là dưới đáy biển sâu thẳm hoặc đỉnh núi cao nhất, chúng được mô tả là những sinh vật to lớn, có thân hình của bò đực, đầu của sư tử, vẻ ngoài hết sức đáng sợ. Không chỉ thế, Nian còn sở hữu cái hàm khổng lồ, đủ rộng để nuốt chửng vô số người trong một lần.
Nian sở hữu cái hàm khổng lồ, đủ rộng để nuốt chửng vô số người trong một lần. (Hình minh họa).
Ngoại hình hung dữ là thế, tính tình của Nian còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần. Người ta kể lại rằng, vào cuối mùa đông khi không có gì để ăn, chúng sẽ bước lên bờ từ đáy biển sâu hoặc đi xuống từ đỉnh núi cao vào các ngày đầu tiên của năm mới để ăn thịt gia súc, mùa màng, và thậm chí cả dân làng, đặc biệt là trẻ em.
Cũng có nghĩa, kể từ đêm Giao thừa, tất cả người dân sẽ phải sống trong sự sợ hãi, quấy phá của Nian cho đến hết mùa đông.
Đương nhiên, những đau khổ của con người sớm là rất lớn không đêm nào trôi qua mà không có một gia đình đen đủi phải than khóc cho người thân yêu đã bị hãm hại bởi Nian.
Cho nên hàng năm mỗi khi Giao thừa đến, người người nhà nhà không thể đón Tết an vui mà luôn nơm nớp lo sợ. Thậm chí, họ còn phải đặt sẵn thức ăn trước nhà mỗi dịp đầu năm với niềm tin rằng, quái thú Nian sẽ ăn chúng và không động đến họ nữa.
Tuy nhiên những thiệt hại cả về người lẫn của đều không giảm đi là mấy. Cùng cực, cả làng phải kéo nhau lên núi chứ không ai dám ở lại trong nhà vì lo sợ trước sự manh động của con quái vật mình bò đầu sư tử kia.
Quái thú Nian được mô tả là những sinh vật to lớn, có thân hình của bò đực, đầu của sư tử, vẻ ngoài hết sức đáng sợ.
Câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại mỗi dịp Tết sang cho đến khi xuất hiện một ông lão kỳ lạ từ phương xa tới. Ông lão đó râu tóc bạc phơ, quần áo rách rưới xuất hiện đúng đêm con quái thú sắp tấn công vào khu dân cư.
Mọi người trong làng nhốn nhác tháo chạy lên những ngọn núi cao để bảo toàn mạng sống. Ai ai cũng gấp gáp, vội vã. Ông lão cố gắng gặng hỏi xem có chuyện gì xảy ra nhưng không ai đủ bình tĩnh để trả lời mà chỉ nhanh chân chạy trốn.
Trước tình cảnh đó, một lão phu nhân tốt bụng không nỡ để ông ở lại mà chết oan nên đã kể lại mọi chuyện và khuyên ông nên trốn lên núi cùng mọi người.
Trái với tâm thế gấp gáp của vị phu nhân nọ, ông lão đáp lại bằng một nụ cười ấm áp rồi nói hãy cứ yên tâm, ông sẽ có cách đánh đuổi con quái thú khổng lồ kia rồi xin ở lại nhà một đêm. Tất nhiên, không một ai tin lời nói của người lạ mặt có phần lập dị kia, kể cả lão phu nhân cũng đành đi theo mọi người lên núi.
Đêm đến, Nian hùng hổ chạy vào làng nhưng nó ngay lập tức nhận thấy có điều gì đó rất khác lạ. Con quái vật nhìn quanh và phát hiện ra tờ giấy đỏ dán trên cửa nhà người phụ nữ kia. Trong nhà thắp nến sáng bừng. Nỗi lo sợ không ngăn được bản tính phá hoại của Nian, nó vẫn lao nhanh về hướng ngôi nhà... Bất ngờ, ông lão xuất hiện cùng bộ đồ đỏ rực, cười thật lớn trong tiếng pháo nổ ầm ầm trước cửa. Quái vật Niên sợ quá, mặt cắt không còn giọt máu, vội vã ù té chạy.
Quái thú Nian quấy phá dân làng. (Ảnh: Wendy's blogspot).
Sáng hôm sau, dân làng trở về và vô cùng ngạc nhiên khi thấy mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn chứ không phải cảnh hoang tàn như những năm trước. Lúc này, người phụ nữ kia chợt nhớ lại chuyện ông lão ăn xin tối qua và liền kể lại với dân làng. Dân làng lập tức kéo nhau tới nhà người phụ nữ để xem chuyện gì đã xảy ra. Tại đó, họ thấy hai dải giấy đỏ dán trên cửa, xác pháo và nến vẫn còn đang cháy. Mọi sự đã được hóa giải. Thì ra con quái vật Niên sợ màu đỏ, tiếng pháo nổ và ánh sáng.
Sau khi ông lão giúp dân làng trừ họa thì biến mất không một dấu vết. Cũng kể từ đó, mỗi dịp Tết đến, mọi người lại dán câu đối đỏ, bắn pháo hoa, và mở tiệc linh đình để đánh đuổi quái thú, chào đón năm mới cũng như gạt bỏ những điều không may của năm cũ đi.