Rác thải thành điện thắp sáng nông thôn

  •  
  • 2.450

Lần đầu tiên tại TT-Huế, khí Biogas làm từ rác thải ô nhiễm được dùng làm năng lượng chiếu sáng tại nhiều tuyến đường thuộc thành phố Huế, mở ra triển vọng ứng dụng thắp sáng công cộng cho các vùng nông thôn trong cả tỉnh.

>>> Ứng phó biến đổi khí hậu từ… bóng đèn

Năm 2011, từ nguồn tài trợ miễn phí của Dự án nhóm Biogas (thuộc Tổ chức BAJ - Nhật Bản), phường vùng ven Thủy Xuân (TP Huế) triển khai chương trình sản xuất khí Biogas từ rác thải.

Mục đích ban đầu của dự án là để tạo lượng chất đốt, chiếu sáng gia dụng hằng ngày, đồng thời giải quyết ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Vận hành thành công và mang lại hiệu quả kinh tế, một cán bộ phường Thủy Xuân còn nảy sáng kiến dùng khí Biogas chiếu sáng các phố xa trung tâm phường về đêm.

Người “khởi xướng” việc này là ông Đồng Sỹ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân. “Khi về đêm, nguồn khí đốt sản sinh từ các hầm Biogas trong dân hầu như không còn dùng cho sinh hoạt gia đình, việc tận dụng thắp sáng ra đường phố là phù hợp. Đến nay, đã có nhiều hộ dân đồng tình hưởng ứng”, ông Toàn cho biết.

Mô hình đèn đường Biogas tại TP Huế.
Mô hình đèn đường Biogas tại TP Huế. (Ảnh: Ngọc Văn)

Sau thời gian ngắn ứng dụng chiếu sáng công cộng, từ 9 hộ dân tham gia ban đầu, hàng chục gia đình khác cũng tự nguyện đấu nối nguồn dẫn khí từ nhà ra thắp sáng khu vực công cộng, thay cho điện đường.

Trụ đèn, ống dẫn khí, bóng đèn đốt bằng khí Biogas do phường đầu tư miễn phí, trị giá chưa tới 500 ngàn đồng cho mỗi bộ thiết bị chiếu sáng. Theo nhiều người dân Thủy Xuân, dùng năng lượng Biogas, hàng tháng mỗi gia đình tiết kiệm khoảng 500 ngàn đồng...

Dùng năng lượng Biogas chiếu sáng công cộng cũng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng trên mỗi tuyến phố, do chi phí đầu tư, duy trì đèn đường bằng nguồn điện cao áp rất tốn kém.

“Đầu tư công trình khí Biogas, dân có thêm nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm từ phân thải chăn nuôi, rác sinh hoạt được hạn chế đáng kể. Ý thức của dân về bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao. Đặc biệt, từ khi “đèn điện biogas” thắp sáng phố phường, dân rất yên tâm mỗi khi đi lại trong buổi tối”, ông Nguyễn Văn Tuấn (trú tổ 2, Thủy Xuân), cho biết.

Đến nay, gần 300 hộ dân tại phường Thủy Xuân tiếp tục làm đơn đăng ký với lãnh đạo phường xin đầu tư mới hầm sản xuất khí làm từ rác sinh hoạt, phân thải chăn nuôi.

“Đầu tư của phường đến dân có hạn, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để phục vụ nhu cầu của dân. Hy vọng, sau phường Thủy Xuân, nhiều địa phương ven thành phố Huế và các khu vực nông thôn sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Toàn nói.

Theo Tiền Phong
  • 2.450