Robot đào mỏ 25 tấn mắc kẹt dưới đáy Thái Bình Dương

  •  
  • 693

Nguyên mẫu của cỗ máy đào mỏ dưới biển sâu bị đứt cáp nối với con tàu trên mặt nước trong lúc làm nhiệm vụ.

Robot đào mỏ nằm ở đáy biển.
Robot đào mỏ nằm ở đáy biển. (Ảnh: GSR).

Tai nạn xảy ra giữa chương trình thử nghiệm và nghiên cứu kéo dài một tháng, dấy lên tranh cãi về những kế hoạch khai thác khoáng sản ở đáy biển. Robot có tên Patania II được phát triển bởi công ty GSR ở Bỉ để thu thập các khối đá nhỏ gọi là nodule. GSR triển khai robot ở vùng biển thuộc Thái Bình Dương mà công ty được cấp phép thám hiểm. Cáp nối đứt khi giai đoạn đầu của thử nghiệm gần hoàn thành.

"Trong chuyến lặn cuối cùng xuống khu vực, một điểm nâng bị tách rời và Patania II giờ đây nằm ở đáy biển. Chúng tôi đã bắt đầu công tác nối lại điểm nâng và sẽ cập nhật tình hình", phát ngôn viên của GSR, cho biết.

Nếu cỗ máy được giải cứu thành công, GSR sẽ tiếp tục triển khai robot để nghiên cứu sâu hơn ở vùng biển của Đức. Nhưng công ty không thể đảm bảo thu hồi thành công ở độ sâu lớn như vậy.

"Thật mỉa mai khi một công ty muốn khai thác kim loại từ đáy biển lại đánh rơi cỗ máy ở đó. Thất bại vận hành này chắc chắn là cảnh báo khai thác mỏ dưới biển sâu quá rủi ro. Việc mất kiểm soát với cỗ máy khai thác mỏ 25 tấn ở đáy Thái Bình Dương có thể nhấn chìm ý tưởng này", tiến sĩ Sandra Schoettner, nhà sinh vật học của tổ chức Hòa bình xanh trên tàu Rainbow Warrior ở Thái Bình Dương, cho biết.

Hai năm trước, công ty GSR cũng phải dừng thử nghiệm một nguyên mẫu nhỏ hơn sau khi cáp nối bị hư hại. Một cỗ máy đào mỏ khác tên Apollo II do công ty ở Hà Lan thiết kế, cũng hỏng hóc do đất đá, cát và nhiễu động ở vùng biển nông ngoài khơi Tây Ban Nha cách đây 2 năm.

Cập nhật: 30/04/2021 Theo VnExpress
  • 693