Các nhà nghiên cứu robot châu Âu vừa chế tạo robot đi bộ nhanh nhất thế giới được đặt tên là Runbot. Nó có thể di chuyển với tốc độ bằng 3 lần chiều dài chân trong 1 giây, chậm hơn một chút so với người bình thường đi nhanh.
Runbot hoạt động dựa trên nguyên lý động lực, có khả năng tự học dựa trên cơ sở lý thuyết từ những năm 1930 của Nikolai Bernstein - một nhà Sinh lý học người Nga.
Nó có thể đi giống người, vượt qua các chướng ngại vật với khả năng thay đổi cách đi uyển chuyển dựa trên môi trường xung quanh. Ví dụ khi có 1 người đi qua, nó sẽ tự động đứng lại hoặc tránh ra xa.
Trên các khớp và chân Runbot có gắn các cảm biến ngoại vi, các gia tốc kế để quản lý bước di chuyển của robot. Tín hiệu từ cảm biến sẽ được gửi tới các bộ phận xử lý cục bộ - được xem như các thần kinh nhân tạo. Hệ thống này sẽ phân tích thông tin và đưa ra các tín hiệu để điều chỉnh cách thức di chuyển theo thời gian thực.
Nhà nghiên cứu Florentin Woergoetter (Ảnh: Hubert Jelinek / EPA)
Thông tin từ các cảm biến gắn trên Runbot luôn được cập nhật và được tạo trong quá trình tương tác của nó với địa hình di chuyển, vì thế nó có thể điều chỉnh bước đi nếu như có sự thay đổi từ môi trường xung quanh.
Theo các nhà thiết kế Runbot, nó có thể đi lên và xuống dốc mà không cần trợ giúp; có thể hiệu chỉnh trọng tâm; di chuyển theo nhiều cách với các phương án chuyển động thích hợp. Họ cũng cho biết sẽ chế tạo Runbot lớn hơn, thích nghi nhiều hơn với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Chu kỳ di chuyển của robot chia ra làm 6 bước (ảnh):
Chu kỳ di chuyển của Runbot |
• Bước 1 - 3: Động lượng của robot khiến cho robot đứng trên một chân và chân kia sẽ di chuyển lên phía trước.
• Bước 3: Cảm biến kéo căng của chân vừa bước lên được kích hoạt, công tắc của đầu gối được bật lên và chân duỗi ra.
• Bước 3 - 6: Robot sẽ ngã ra phía trước mà không cần sử dụng động cơ và sau đó là tự đứng trên một chân.
• Bước 6: Khi chân vừa bước lên chạm đất, cảm biến đặt ở gan bàn chân robot tiếp xúc với nền, chân trụ được co lại và đi lên. Bắt đầu một chu kỳ mới.
MINH ANH