Rùa hồ Gươm thuộc 100 loài lâm nguy nhất thế giới

  •   4,52
  • 3.779

5 loài vật của Việt Nam vừa được liệt kê trong danh sách 100 loài đang lâm nguy nhất thế giới, trong đó có rùa Hồ Gươm.

Báo cáo có tên "100 loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới. Chúng vô giá hay không có giá trị?" là kết quả làm việc của hơn 8.000 nhà khoa học thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Hiệp hội động vật học London (ZSL). Danh sách được công bố tại Hội nghị bảo tồn thế giới ở đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 11/9.

Các loài của Việt Nam có tên trong danh sách gồm: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), rùa hồ Gươm (Rafetus swinhoei), cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei , họ cá Tra) và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus).

Rùa hồ Gươm
Rùa hồ Gươm

Trên thế giới rùa hồ Gươm hiện chỉ còn 4 cá thể sống ở hồ Hoàn Kiếm, Đồng Mô và hai con còn lại ở Trung Quốc. Trong thời gian qua, để bảo tồn loài này, ở Hà Nội giới khoa học đã đưa một con lên khám chữa bệnh và thả về tự nhiên vào năm ngoái. Tuy nhiên đến nay, lãnh đạo và giới khoa học vẫn chưa đưa ra phương án nhân giống sinh sản cho rùa hồ Gươm.

Gà lôi lam mào trắng sống tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang bị đe dọa tuyệt chủng. Theo các nhà khoa học, chúng đang dần biến mất do bị săn bắn quá mức và mất môi trường sống. Giới bảo tồn kêu gọi cần có biện pháp phục hồi điều kiện sống và thực hiện chương trình nhân giống.

Sao la - được gọi là "kỳ lân của châu Á", là một trong những loài động vật có vú bị đe dọa trong khu vực Đông Nam Á. Loài này chỉ còn vài cá thể sống ở dãy núi Trường Sơn, dọc biên giới Việt - Lào.

Voọc mũi hếch là một trong số 25 loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và là loài đặc hữu của Việt Nam. Hiện trên thế giới chỉ có bốn loài voọc mũi hếch, trong đó ba loài ở Trung Quốc và một loài sống ở nước ta. Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định bảo vệ voọc, chúng vẫn đang bị săn bắn và số lượng ngày càng giảm nghiêm trọng. Ước tính, chỉ còn khoảng chưa đầy 200 con trong tự nhiên, ở các khu rừng đông bắc Việt Nam.

Cá vồ cờ chủ yếu sống ở lưu vực sông Cửu Long, Việt Nam. Chúng được tổ chức bảo tồn cho vào danh sách sách đỏ từ năm 1996.

Sao la.
Sao la. (Ảnh: WWF)

Trong danh sách 100 loài nguy cấp lựa chọn từ 48 quốc gia khác nhau, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến lười lùn 3 ngón (Bradypus pygmaeus) - loài nhỏ nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Loài này chỉ còn được tìm thấy ở hòn đảo Escudo, cách bờ biển Panama, Trung Mỹ khoảng 17m.

Theo Jonathan Baillie, giám đốc bảo tồn ZSL, các nhà tài trợ thường ưu tiên cho dự án và chương trình có lợi với con người. Vì thế, các nhà bảo tồn gặp khó khăn trong bảo vệ sinh vật.

"Chúng ta cần đưa ra quyết định quan trọng: Những loài này có quyền tồn tại hay con người có quyền đưa chúng đến bờ tuyệt chủng", ông Jonathan Baillie nói.

Bà Ellen Butcher, làm việc tại ZSL nói thêm: "Tất cả các loài trong báo cáo đều là loài đặc hữu, khó có thể thay thế. Nếu chúng biến mất, con người có bao nhiêu tiền cũng không thể hồi sinh chúng".

Cập nhật: 04/11/2024 Theo VNE
  • 4,52
  • 3.779