Video ghi lại cảnh người đàn ông giải cứu con rắn hổ mang bị mắc kẹt trong giếng ở Maharashtra, Ấn Độ khiến nhiều người khiếp sợ.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tình nguyện viên của tổ chức nghiên cứu động vật hoang dã phi chính phủ đang giải cứu một con rắn hổ mang chúa mắc kẹt trong giếng ở Nashik, Maharashtra, Ấn Độ.
Tình nguyện viên dùng móc buộc vào dây thừng để nhấc con rắn độc ra khỏi giếng bỏ hoang.
Một trong những tình nguyện viên dùng móc buộc vào dây thừng để nhấc con rắn độc ra khỏi giếng bỏ hoang. Sau khi đưa con rắn lên mặt nước, anh ta đặt vào trong chiếc túi và buộc lại thật chặt.
Video lan truyền thu về hàng nghìn lượt xem và bình luận. "Làm thế nào con rắn hổ lại rơi xuống giếng sâu được nhỉ? Nguồn thức ăn của nó đâu phải ở dưới giếng", "Thật nguy hiểm, không khuyến cáo mọi người tự giải cứu", "Họ đã làm rất tốt công việc của mình, an toàn cho người dân địa phương"... cư dân mạng bình luận.
Các chuyên gia đã xác nhận đây là rắn hổ mang chúa Ấn Độ, một trong 4 loài lớn và nọc độc kinh khủng, gây ra nhiều vết cắn nhất cho người dân địa phương ở quốc gia này.
Chúng thường ăn các loài động vật gặm nhấm, cóc, ếch và các loài rắn khác. Do chế độ ăn uống và săn bắt chuột nên loài rắn hổ mang này thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn do hổ mang Ấn Độ gây ra.
Nọc độc của rắn hổ mang Ấn Độ chủ yếu chứa chất độc thần kinh sau synap mạnh và độc tố tim. Nọc độc tác động lên các khe hở tiếp hợp của dây thần kinh, do đó làm tê liệt các cơ và trong trường hợp bị cắn nghiêm trọng dẫn đến suy hô hấp hoặc ngừng tim.
Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, thân nặng. Dễ dàng nhận ra loài rắn hổ mang này nhờ chiếc mũ trùm đầu tương đối lớn và khá ấn tượng, nó sẽ mở rộng ra khi bị đe dọa.