Sa mạc nhiều... nước

  •   4,84
  • 6.145

Trên hành tinh chúng ta, Xa-ha-ra ở miền bắc châu Phi là sa mạc lớn số một và cũng là hoang mạc lớn thứ ba (sau châu Nam Cực và vùng Bắc Cực). Nói đến sa mạc, ta thường nghĩ trước tiên đến cát và hạn hán kinh niên.

>>> Kenya phát hiện những nguồn nước ngầm khổng lồ

Lớp cát phủ trùm trên mặt Xa-ha-ra có độ dày trung bình 150 mét, những nơi cát dồn thành đống to nhất thì đỉnh của nó cũng có độ cao ngang với tháp Ép-phen ở Pháp. Đã có người tính toán được rằng, muốn dọn hết cát ở Xa-ha-ra thì toàn nhân loại phải xúm tay vào, và với dân số trái đất hiện nay chừng 7,2 tỷ người thì mỗi người phải xách hơn ba triệu xô cát mới hết.

Nhưng kỳ thực, ở Xa-ha-ra chỉ có 20% là cát, 10% là cát lẫn đá cuội và muối mỏ, còn đa phần, khoảng 70%, là bãi đá thô.

Sa mạc nhiều... nước
Sa mạc Xa-ha-ra

Với diện tích hơn chín triệu ki-lô-mét vuông, sa mạc Xa-ha-ra trải trùm lãnh thổ của nhiều nước: Ai Cập, Xu-đăng, Li-bi, An-giê-ri, Sát, Ê-ri-tơ-ri-a, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ma-rốc, Ni-giê, Tuy-ni-di, Tây Xa-ha-ra. Nơi đây hiện nay có khoảng 2,5 triệu người sinh sống, đa phần là hai chủng tộc Tua-réc, A-rập và những nhóm người da đen như Tu-bu, Nu-bi-an, Da-ga-va, Ka-nu-ri, Pê-un hay Phu-la-ni, Hau-xa, Xong-hai... Họ chăn dắt dê, lừa, lạc đà và - do khí hậu khắc nghiệt, luôn luôn thiếu cỏ - thường phải sống cuộc đời du mục.

Trong những sắc tộc từng bám trụ lâu đời, chính người A-rập đã đưa lạc đà vào vùng này, hình thành nên một mạng lưới thương mại xuyên sa mạc Xa-ha-ra khá hiệu quả. "Con đường tơ lụa" ấy đã tồn tại qua hàng thế kỷ, tới khi sự phát triển kỹ thuật hàng hải cho phép các con tàu - ban đầu từ Bồ Đào Nha, nhưng liền ngay sau đó, từ toàn bộ Tây Âu -tiếp cận. Tàu biển nhiều nước dập dìu quanh sa mạc và thu thập các nguồn tài nguyên chở đi bán cho các nơi khác. Tới năm 500 trước công nguyên, vì thiếu nước và thị trường nên bước chân của con người chưa bao giờ vượt quá phía nam Ma-rốc hiện nay.

Trong thung lũng ở trung tâm Xa-ha-ra từng tồn tại một nền văn minh đô thị phát triển nhờ vào những con kênh đào nối các sườn thung lũng với các ngọn núi và dẫn nước vào đồng áng. Nền văn minh ấy trở nên đông đúc và mạnh mẽ, chinh phục những vùng chung quanh và bắt giữ nhiều nô lệ để sử dụng vào việc mở rộng hệ thống kênh đào. Nhưng, cuối cùng, sau khi nước ngầm dưới đất không còn khai thác được nữa, vì thế không thể tiếp tục mở rộng hệ thống kênh của mình vào sâu trong núi, nền văn minh ấy phải sụp đổ.

Các nhà khoa học đã xác định sa mạc Xa-ha-ra "già" tới 2,5 triệu năm tuổi, khoảng 5.400 năm về trước là thời điểm bắt đầu quá trình hoang hóa vùng lãnh thổ này. Những di tích do các nhà khảo cổ học tìm thấy chứng tỏ: Mấy nghìn năm trước, nơi đây là chốn bạt ngàn cỏ khô, có vô số sông ngòi, ao hồ. Bây giờ, những chỗ đó vẫn còn là thung lũng, khi trời mưa lớn có thể trở thành những con sông đầy nước, nhưng chỉ được vài giờ là cạn trơ đáy.

Sa mạc nhiều... nước
Nhưng nước vẫn ăm ắp trong lòng, chẳng hạn ở lãnh thổ Li-bi.

Nhưng, tạo hóa không muốn để sa mạc Xa-ha-ra lâm vào khánh kiệt nên rất khéo đặt bày. Vào những ngày hè nóng như rang, cát ở đây nóng tới 80oC, cho nên lượng nước bốc hơi lớn gấp bội so với lượng mưa rơi xuống. Mỗi năm, lượng mưa thường chỉ đạt khoảng 100mm, còn hơi nước bốc lên dao động từ 2.500 đến 5.500mm. Gặp phải ngày nắng lửa, hạt mưa từ trên trời rơi xuống chưa kịp chạm đất đã... tan biến.

Ấy thế mà sa mạc Xa-ha-ra không hề khô hạn! Cát ở đây còn ít hơn rất nhiều so với... nước. Các nhà khoa học đã khảo sát được trong lòng sa mạc khô khan là một biển nước ngầm vĩ đại, trữ lượng ước tính 375.000km3 trong khi đó một hồ nổi tiếng là Bai-can ở Nga chỉ chứa 23.600km3 nước ngọt. Đây là một hồ nước ngầm thuộc cỡ lớn nhất thế giới, ngay dưới lãnh thổ Ai Cập, Li-bi, Sát và Xu-đăng.

Theo Nhân Dân
  • 4,84
  • 6.145