Người ta luôn nói "công lý không có mắt”, song một nghiên cứu cho thấy ngoại hình của các bị cáo có thể tác động tới phán quyết của tòa án.
Livescience cho biết, các nhà tâm lý của Đại học Cornell tại Mỹ mời 169 sinh viên trong trường tham gia một cuộc khảo sát trên mạng để tìm hiểu xem họ xử lý thông tin dựa trên lý trí hay tình cảm nếu được mời vào ban hội thẩm trong một phiên tòa. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên đọc hồ sơ của một số vụ án và xem ảnh của bị cáo trong những vụ án đó. Tình nguyện viên đọc những hướng dẫn dành cho thành viên hội thẩm và nghe tất cả cuộc tranh luận tại tòa. Sau đó họ phải kết luận bị cáo có tội hay vô tội, đồng thời đưa ra tội danh và thời gian giam giữ.
Kết quả cho thấy nguy cơ bị kết án cao hơn và mức án nặng hơn ở những bị cáo không hấp dẫn cao hơn tới 22% so với những người bình thường. Ngoài ra, nếu tính trung bình thì thời gian ngồi tù của họ dài hơn tới 22 tháng.
"Đối với những người bên ngoài nhà tù, 22 tháng không phải là khoảng thời gian dài. Nhưng đối với các tù nhân, đó là con số rất lớn", Justin Gunnell, trưởng nhóm nghiên cứu, bình luận.
Ảnh minh họa ban hội thẩm trong một phiên tòa tại Mỹ của dreamloom.com.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người trong ban hội thẩm có thể được chia thành hai dạng: suy luận dựa trên tình cảm và suy luận dựa trên lý trí. Những người suy luận dựa trên tình cảm thường quan tâm tới những yếu tố chẳng liên quan tới luật pháp như ngoại hình, chủng tộc, giới tính, địa vị xã hội. Họ có xu hướng nghĩ rằng những bị cáo không hấp dẫn có khả năng phạm tội cao hơn người có ngoại hình đẹp. Vì thế, họ thường đề nghị mức án nghiêm khắc hơn và thời gian phạt dài hơn dành cho bị cáo không hấp dẫn.
Ngược lại, những thành viên hội thẩm suy luận dựa trên lý trí quan tâm tới thông tin thực tế, phương pháp phân tích và phép tư duy logic trước khi đưa ra mức án. Họ chẳng bao giờ chú ý tới những yếu tố không liên quan tới pháp luật ở bị cáo.
“Chúng tôi đặt giả thuyết là những thành viên hội thẩm suy luận dựa theo tình cảm có nguy cơ mắc sai lầm lớn hơn khi đưa ra tội danh và mức án. Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thuyết của chúng tôi đúng”, Gunnell tuyên bố.
Mọi tình nguyện viên đưa ra tội danh và thời gian lĩnh án gần giống nhau đối với những bị cáo có ngoại hình hấp dẫn. Xu hướng thiên vị đối với bị cáo hấp dẫn của nhóm suy luận dựa trên tình cảm chỉ giảm xuống khi họ đối mặt với vụ án có bằng chứng rõ ràng hoặc hành vi phạm tội cực kỳ nghiêm trọng.
“Trong những vụ án mà chứng cứ không rõ ràng thì những thành viên hội thẩm suy luận theo tình cảm thường nói bị cáo vô tội hoặc đưa ra mức án nhẹ”, Gunnell nói.
Gunnell cho rằng nghiên cứu của Đại học Cornell có thể giúp hệ thống tư pháp thay đổi cách chọn thành viên hội thẩm. Theo ông, hiện nay trong những vụ án mà chứng cứ tỏ ra bất lợi đối với bị cáo, các luật sư biện hộ cho bị cáo chỉ muốn chọn những người suy luận theo lý trí vào ban hội thẩm. Nhưng trong những vụ án không có bằng chứng rõ ràng, các công tố viên sẽ muốn đưa người suy luận theo tình cảm.