Vì sao những quyển sách cũ lại có mùi rất đặc trưng?

Sách cũ có một mùi rất đặc trưng, và nó tiết lộ thông tin cực kỳ quan trọng
  •  
  • 4.908

Mọi người đều quen thuộc với mùi của những cuốn sách cũ, nhưng ít ai biết mùi của chúng đến từ đâu, và vì sao có nhiều người say mê mùi sách cũ đến mức "đóng đinh" ở thư viện hoặc hiệu sách cũ.

Chúng ta ai cũng biết rằng kho báu càng cổ càng có giá trị. Sách vốn là kho tàng của nhân loại, nên cũng không ngoại lệ.

Những cuốn sách được lưu trữ hàng chục, hàng trăm năm, không chỉ có giá trị về mặt kiến thức, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử không gì đong đếm được.

Sách cũ có một thứ mùi rất đặc trưng.
Sách cũ có một thứ mùi rất đặc trưng.

Nhưng nếu là một người thích sách, chăm chỉ lui tới thư viện, bạn hẳn sẽ nhận ra những cuốn sách cũ có một thứ mùi rất đặc trưng. Như Matija Strlic - một học giả tại ĐH College London (Anh) từng chia sẻ, thứ mùi ấy "là sự kết hợp giữa mùi mốc, vanilla, hạnh nhân... trộn thêm vài loại acid". Nghe thì kinh khủng nhưng không cưỡng lại được, vì nó "giống như một phần nội dung đặc trưng của cuốn sách, chẳng thể nhầm lẫn cũng không thể chối từ".

Có điều, thứ mùi ấy đến từ đâu? Bí mật nằm trong hàng trăm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatile organic compound - viết tắt là VOC) - vốn được tẩm trong giấy, mực, và chất kết dính. Qua thời gian, các VOC dần tan rã, giải phóng một lượng hóa chất khá "bắt mũi" và đặc trưng của sách cũ.

Trên thực tế, mỗi cuốn sách sẽ có mùi khác nhau, vì nó phụ thuộc vào lượng VOC được dùng khi làm sách. Theo khảo sát từ một công ty in, sách có mùi hạnh nhân là do làm từ benzaldehyde, các mùi ngọt đến từ toluene hoặc ethyl benzene, và hương hoa là do 2-ethyl hexanol.

Sách mới không có mùi giống như vậy, một phần vì các thành phần của chúng ít bị xuống cấp hơn, phần vì trong khoảng một thế kỷ qua chúng ta đã sử dụng giấy có chất lượng gỗ thấp hơn.

Tùy thuộc vào thời điểm một cuốn sách được in, có thể có các hóa chất bổ sung và những hóa chất này thậm chí hữu ích khi văn bản không xác định được ngày tháng. Ví dụ, nồng độ furfural cao là dấu hiệu của những cuốn sách được xuất bản trước những năm 1800.

Nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí ACS Sensors, Analytical Chemistry và Heritage Science.

Người thủ thư giàu kinh nghiệm có thể "ngửi" và nhận ra những cuốn sách nào đang bị hư hại nghiêm trọng.
Người thủ thư giàu kinh nghiệm có thể "ngửi" và nhận ra những cuốn sách nào đang bị hư hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, mùi của sách cũ đôi khi đến từ các yếu tố không thể tránh qua thời gian: mùi khói, ẩm mốc, hoặc do mùi hoa ép khô đặt giữa các trang sách.

Nhưng thứ mùi này có gì quan trọng?

Đây là khả năng chỉ những thủ thư lâu năm và giàu kinh nghiệm mới có: họ có thể "ngửi" và nhận ra những cuốn sách nào đang bị hư hại nghiêm trọng.

Kỹ năng này rất cần thiết, vì những cuốn sách đó sẽ cần được bảo vệ kỹ hơn, hoặc phải sao chép lại càng sớm càng tốt. Theo như một nghiên cứu đăng trên tạp chí Analytical Chemistry năm 2009, có khoảng 15 hợp chất VOC phân hủy với tốc độ nhanh hơn bình thường, nên cần phải cẩn trọng.

Sách sẽ hỏng dần theo thời gian

Con người đã làm ra và sử dụng sách từ hơn 4.500 năm nay. Ban đầu, sách làm bằng những cuộn giấy cói, sau đó được cải tiến theo thời gian thành sách bìa mềm rồi cuối cùng ngày nay chúng ta có cả sách điện tử.

Tiến sĩ Karl Kruszelnicki, nhà bình luận khoa học người Úc, nói rằng sách cũ có mùi khác lạ là vì các hóa chất dùng trong giấy, mực và hồ dán biến đổi và phát thải ra các loại khí.

Ông nói: “sách cũ có nhiều mùi, từ hơi chua cho đến mốc. Có rất nhiều người mô tả về mùi của những cuốn sách và nhiều người cho rằng chúng có mùi như sôcôla, mùi cũ kỹ, mùi cháy khét và thậm chí cả mùi bít tất thối. Trong quá trình sản xuất giấy và in sách, có nhiều hóa chất được đưa vào giấy sách và không phân hủy hết mà vẫn ở lại trong giấy. Mùi của sách tùy thuộc vào các loại giấy khác nhau, các hóa chất được sử dụng và thời gian cuốn sách đó ra đời”.

Một cuốn sách hào nhoáng được dùng để đọc trong những giờ giải lao bên tách cà phê có mùi rất khác so với một cuốn sách bìa mềm đen trắng giá rẻ.

Cuốn sách ra đời vào thời gian nào và phương pháp làm sách vào thời đó ra sao cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ của cuốn sách.

Tiến sĩ Karl nói rằng: “bạn có thể đọc 1 cuốn sách có từ 150 năm trước và bạn cũng có thể đọc một cuốn sách ra đời từ 1.000 năm trước. Nhưng những cuốn sách ra đời vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước thì ngày nay bạn không thể đọc được vì chúng được làm từ loại giấy rẻ tiền để cho nhiều người có thể mua được. Để giảm giá thành, người ta chỉ việc để acid lại trong giấy mà không cần khử, vì thế nhiều cuốn sách thời đó không giữ được lâu vì chúng hỏng dần khá nhanh”.

Vì sao những cuốn sách cũ lại gợi nhiều kỷ niệm?

Các cửa hàng sách thường gợi lên nhiều ký ức do sách có mùi rất riêng.
Các cửa hàng sách thường gợi lên nhiều ký ức do sách có mùi rất riêng.

Đối với nhiều người, mùi của một cuốn sách cũ sẽ làm họ ngập tràn trong những ký ức, kỷ niệm và cảm giác dễ chịu. Tiến sĩ Karl nói ký ức ùa về khi người ta ngửi thấy mùi của một cuốn sách cũ là do bản năng cơ bản của chúng ta.

Cảm nhận mùi không được kích thích bởi phần não trước mà ở phần đại não. Mùi rất quan trọng vì tất cả mọi sinh vật sống cho đến một con vi khuẩn cũng có khứu giác để cảm nhận mùi.

Một mùi hương bạn đã từng ngửi trong quá khứ có thể gợi lại những ký ức như là mùi nước hoa mẹ bạn đã xức vào những dịp đặc biệt hay mùi trên một chiếc xe mà gia đình bạn đã cùng nhau đi vào một lần nào đó chẳng hạn.

Một cuốn sách cũ có thể bạn cầm trên tay lần đầu nhưng mùi xưa cũ của nó gián tiếp đưa bạn nhớ lại những sự việc đã xảy ra trong quá khứ hoặc những liên tưởng đến những sự vật, hiện tượng khác của thời đã qua.

Cập nhật: 12/07/2024 Tổng Hợp
  • 4.908