"Sân bay câm lặng" - xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới

  •  
  • 1.405

Nhiều sân bay đã áp dụng chính sách "sân bay câm lặng", nhằm đem lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách. Nhưng đây là chính sách gì nhỉ?

Tiếng ồn tại các sân bay có thể nói là một điều hết sức phiền toái dành cho các hành khách, nhất là đối với các chuyến bay dài, đòi hỏi phải đổi chuyến, nối chuyến.

Có thể đến đây, nhiều người sẽ cho rằng các âm thanh tại sân bay không đến nỗi gây khó chịu đến thế, vì người ta rất ít khi to tiếng tại đó. Nhưng thực chất thì những âm thanh như tiếng phương tiện di chuyển, âm băng chuyền hành lý, tiếng xào nấu thức ăn... và cả tiếng loa phát thanh nữa, tất cả đều tạo ra rung động. Rung động ấy có thể xuyên qua tường, lan tỏa vào không khí, hướng đến bộ phận cảm nhân âm thanh trong tai của chúng ta.

Để rồi từng chút một, trải nghiệm của bạn sẽ tệ dần, tệ dần.

Nhưng khi khoa học phát triển, con người - đặc biệt là các nhà chức trách - cũng dần ý thức được những tác hại mà âm thanh có thể gây ra. Bởi vậy mà hiện nay, một số sân bay đã áp dụng chính sách mang tên "sân bay câm lặng" và nó đang dần trở thành một xu hướng phổ biến trên toàn thế giới.

Sân bay câm lặng là như thế nào?

Nghe đao to búa lớn vậy thôi, chiến dịch này thực chất chỉ là các sân bay giảm thiểu, hoặc không còn thông báo bằng loa phát thanh nữa, nhằm giảm tải ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn đến các hành khách.

Sân bay câm lặng là các sân bay giảm thiểu, hoặc không còn thông báo bằng loa phát thanh nữa
Sân bay câm lặng là các sân bay giảm thiểu, hoặc không còn thông báo bằng loa phát thanh nữa.

Nơi đầu tiên áp dụng chính sách này là sân bay London, bằng cách chỉ thực hiện phát thanh trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi có thời tiết xấu. Còn bình thường, các hành khách sẽ nhận được thông báo qua các bảng tin điện tử.

Sau đó, chính sách lan tỏa rộng hơn. Sân bay Helsinki (Phần Lan) chỉ phát thông báo tại cổng vào. Sân bay Barcelona El Prat thì giảm tải tần suất thông báo qua loa.

Và mới đây nhất là ngày 2/12, sân bay quốc tế Kuala Lumpur cũng ngừng hoàn toàn việc thông báo bằng âm thanh, kèm theo khuyến cáo hành khách nên tham khảo màn hình hiển thị thông tin hoặc gặp nhân viên xin trợ giúp, tránh lỡ mất tin quan trọng.

Rất nhiều sân bay trong phạm vi Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại dương cũng đã học theo chính sách này, nhằm nâng cao trải nghiệm và sức khỏe cho các hành khách. Thậm chí, tiếng thông báo giục hành khách cuối cùng cũng sẽ không còn cất lên nữa.

Sân bay Chennai (Ấn Độ) đã ngừng phát loa thông báo từ năm 2017. Sân bay OR Tambo và Cape Town cũng ra chính sách tương tự, chỉ cho phép phát thanh với tần suất cực kỳ hạn chế ở cửa khẩu quốc tế mà thôi.

Lợi ích không ngờ của "sân bay câm lặng"

Khi có ít tiếng ồn, hành khách sẽ có một không gian tĩnh lặng và thư thái hơn.
Khi có ít tiếng ồn, hành khách sẽ có một không gian tĩnh lặng và thư thái hơn.

Theo một nghiên cứu của ĐH Duke vào năm 2013, việc loại bỏ các âm thanh quá ồn, đưa não bộ vào trạng thái im lặng có thể gây tác dụng bất ngờ đến sự phát triển trong vùng đồi hải mã của não. Đây là khu vực chịu trách nhiệm hình thành trí nhớ, nên nói cách khác, não bộ sẽ ghi nhớ tốt hơn khi không phải chịu đựng quá nhiều tiếng ồn.

Hơn nữa khi không có tiếng ồn, hoạt động của não bộ cũng sẽ hiệu quả hơn, mọi thứ minh mẫn, sáng suốt hơn, và quan trọng là sức khỏe tinh thần được cải thiện.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt giảm thông báo bằng loa tại các sân bay là một bước đi đúng hướng. Khi có ít tiếng ồn, hành khách sẽ có một không gian tĩnh lặng và thư thái hơn. Lúc ấy, những phản ứng quá khích như hành hung nhân viên sân bay có lẽ sẽ được giảm mạnh.

Antonella Radicchi - chuyên gia nghiên cứu âm thanh tại ĐH Berlin thậm chí còn tin rằng việc được hưởng một không gian yên tĩnh xứng đáng được xem là nhân quyền.

"Chúng ta đáng lẽ phải có quyền được yêu cầu một không gian yên tĩnh" - Radicchi cho biết.

Cập nhật: 15/12/2018 tapchigiaothong
  • 1.405