Sao Diêm Vương có "bầu trời xanh" và nước dạng băng đá

  •  
  • 1.274

Các chuyên gia NASA vô cùng bất ngờ khi phát hiện, phần mây mù khí quyển của Sao Diêm Vương có màu xanh lam.

Khí quyển của sao Diêm Vương có màu xanh lam

Sau cuộc hành trình kéo dài 9 năm cùng tổng chiều dài đoạn đường bay là 4,8 tỷ km, cuối cùng tàu thăm dò vũ trụ New Horizons của NASA đã tiếp cận được mục tiêu Sao Diêm Vương (Pluto) và ghi lại những hình ảnh trên "hành tinh lùn" này.

Theo công bố mới nhất của NASA, bức ảnh màu đầu tiên do tàu thám hiểm New Horizon gửi về cho thấy mây mù khí quyển của sao Diêm Vương có màu xanh lam.

Sao Diêm Vương có "bầu trời xanh" và nước dạng băng đá

Alan Stern – trưởng đội nghiên cứu dự án New Horizons thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam Colorado chia sẻ đầy phấn khích: “Ai mà ngờ được lại tìm ra bầu trời màu xanh trong vành đai Kuiper chứ? Nó tuyệt đẹp”.

Được biết, vành đai Kuiper là các vật thể của hệ Mặt trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương Tinh.

Các phân tử trong khí quyển của Pluto dường như có màu đỏ hoặc xám, tuy nhiên cái cách chúng tán xạ ra màu xanh đã khiến giới khoa học phải ngạc nhiên.

Sao Diêm Vương có "bầu trời xanh" và nước dạng băng đá

Theo Carly Howett - thành viên đội nghiên cứu cho biết: “Các dải màu xanh này cho chúng ta biết thành phần phân tử của khí quyển nơi đây. Bầu trời xanh thường bắt nguồn từ việc ánh Mặt trời bị tán xạ bởi các phân tử siêu nhỏ trong không khí.

Tại Trái đất, các phân tử gây ra tán xạ là nitrogen, còn tại Sao Diêm Vương, các phân tử lớn hơn, nhưng có kích thước tương đối nhỏ - chúng được gọi là các phân tử tholins”.

NASA tin rằng các phân tử tholins này được hình thành ở vùng cao trong bầu khí quyển, nơi tia cực tím phá vỡ và ion hóa các phân tử nitrogen và methane. Các ion này sẽ tiếp tục phản ứng với nhau, hình thành các cấu trúc hạt tĩnh điện phức tạp. Khi chúng tái kết hợp, các phân tử sẽ tạo thành những đại phân tử với cấu trúc phức tạp – chính là tholins.

Sao Diêm Vương có "bầu trời xanh" và nước dạng băng đá
Hình ảnh Sao Diêm Vương được ghi lại bởi tàu thăm dò vũ trụ New Horizons của NASA.

Ngoài ra, NASA còn có một công bố quan trọng khác, đó là tìm ra rất nhiều khu vực có nước dạng băng đá trên Pluto. Phát hiện này có được từ dữ liệu quang phổ do tàu New Horizon cung cấp.

Nhà khoa học Jason Cook, một thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Phần lớn các khu vực trên Sao Diêm Vương không thấy sự lộ diện của nước đá, vì nó đã bị che lấp bởi một lớp băng của chất lỏng khác phổ biến hơn”.

Sao Diêm Vương có "bầu trời xanh" và nước dạng băng đá

Tuy nhiên, những khu vực có chứa nước đá lại có quang phổ màu đỏ và điều này đã khiến các khoa học gia phải đau đầu. Silvia Protopapa - thành viên dự án cho biết: “Không rõ vì sao mà nước đá này lại có quang phổ màu đỏ. Chúng ta hiện vẫn chưa thể hiểu hết được mối quan hệ giữa nước đá và các phân tử tholins trên bề mặt của Pluto”.

Tàu thám hiểm New Horizons vẫn đang hoạt động bình thường ở khoảng cách 3,1 tỷ dặm (khoảng 5 tỷ km) so với Trái đất. Các chuyên gia của NASA vẫn miệt mài phân tích hình ảnh thu thập được và cung cấp đến cho chúng ta nhiều thông tin thú vị về "hành tinh lùn" này.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.274