Với việc tạo ra website khoa học công dân mới có tên gọi Planet Four, các nhà nghiên cứu đang chuyển sang nhờ công chúng giúp phân tích các hình ảnh bề mặt của sao Hỏa. Rất nhiều hình ảnh trong số đó chưa bao giờ được công bố trước đây. Giới khoa học hy vọng với những dữ liệu đầu vào, công chúng sẽ giúp phát triển hình ảnh chi tiết về gió trên hành tinh đỏ.
Những hình ảnh này được chụp bởi thiết bị khoa học HiRISE gắn trên tàu thăm dò sao Hỏa bay quanh quỹ đạo hành tinh đỏ do NASA quản lý, và được giới hạn ở vùng cực nam sao Hỏa (để dễ tập trung nghiên cứu và quản lý khối lượng công việc).
Nhiệm vụ trong tầm tay là phát hiện và đánh dấu đen vào “fan” (bảng hướng gió) và “blobches” (đốm màu bùng lên). Giả thuyết phổ biến là trong suốt mùa thu, sao Hỏa có một lớp băng carbon dioxide được tạo ra ở cực Nam. Khi mùa xuân đến, ánh sáng mặt trời xâm nhập vào lớp băng (băng này đã bị mờ đi trong mùa đông), làm nóng mặt đất bên dưới, làm cho băng thăng hoa (chuyển từ trạng thái rắn sang khí) từ bên dưới. Với việc tích lũy khí ngày càng tăng áp suất và dải băng bên dưới mỏng dần, chắc chắn sẽ có những vết nứt băng. Khi đó khí phun trào từ chỗ nứt như mạch phun nơi bề mặt vật liệu liên kết lỏng lẻo với chúng.
Bằng cách sử dụng nút công cụ fan và blob từ menu lệnh, khách đến thăm website Planet Four có thể đánh dấu các nét đặc biệt này bằng cách bấm con trỏ chuột vào vị trí hình ảnh được trình bày. Tương tự, mọi người cũng đều có thể đánh dấu vào các điểm khác thường, đáng chú ý khác. Những hình ảnh này sẽ được chuyển đến mục bàn luận trên website nơi các nhà khoa học cũng như người nghiệp dư tìm cách cố gắng giải thích về chúng.
Theo tạp chí Gizmag thì Planet Four là một phần của Zooniverse, gia đình của các website khoa học công dân. Trang web nhanh chóng nhận được sự ủng hộ khá nhiệt tình của dân lướt net. Đến trung tuần tháng 1/2013 đã có 57.299 tình nguyện viên trên toàn cầu tham gia phân loại, đánh dấu 2.891.510 hình ảnh.
Website Planet Four luôn rộng cửa chào đón mọi người tại địa chỉ http://planetfour.org.