Sao Hỏa sắp đón "vị khách" đến từ Mỹ đầu tiên trong 6 năm qua: Một chiếc tàu tự hành thăm dò địa chất có 3 chân, một tay mang tên InSight. Tàu này sẽ đào sâu và lắng nghe địa chấn - hay còn gọi là "lời thì thầm" của hành tinh đỏ.
Sau hành trình 484 triệu km và kéo dài khoảng 6 tháng, tàu InSight của NASA dự kiến chạm bề mặt sao Hỏa vào ngày 26/11 và lưu lại khoảng 1 năm theo thời gian sao Hỏa (tức 26 tháng trên trái đất).
Đây sẽ là tàu vũ trụ Mỹ đầu tiên đáp xuống sao Hỏa kể từ khi tàu Curiosity hạ cánh năm 2012 và lần đầu tiên tiến hành thám hiểm trong lòng hành tinh cùng Hệ Mặt trời với Trái đất.
Tàu InSight của NASA.
Theo AP, NASA sẽ dùng phương pháp đã qua nhiều lần "thử lửa" để đưa cỗ máy của sứ mệnh trị giá 1 tỉ USD đáp xuống bề mặt sao Hỏa. Quá trình đốt cháy động cơ sẽ hạ xuống giai đoạn cuối cùng và tàu vũ trụ đáp xuống trên những chiếc chân cứng chắc, tương tự các cú hạ cánh trong những sứ mệnh thành công trước đó.
Cánh tay robot dài 1,8m của InSight sẽ tháo 2 thiết bị từ khoang tàu và đặt trực tiếp lên bề mặt sao Hỏa. Chưa từng có tàu vũ trụ nào trước đây thực hiện một sứ mệnh như vậy. Một thiết bị tìm cách thâm nhập xuống độ sâu 5m, dùng đinh tự đóng với cảm biến nhiệt để đo nhiệt độ trong lòng sao Hỏa. Điều này sẽ phá vỡ kỷ lục khoan sâu 2,5m của thiết bị đo nhiệt độ mặt trăng thuộc về các nhà thám hiểm tàu Apollo gần nửa thế kỷ trước. Trong khi đó, thiết bị còn lại sẽ đo đếm sự rung lắc của hành tinh, cung cấp những manh mối về lõi của nó.
Bằng cách khám phá từ bên trong, các nhà khoa học có thể nắm bắt được cách hình thành và biến đổi qua hàng tỉ năm của sao Hỏa cũng như các hành tinh đá khác, bao gồm trái đất và mặt trăng.
Sao Hỏa vốn ít hoạt động địa chất hơn Trái đất nên cấu trúc bên trong gần như ở trạng thái nguyên sơ. Theo người đứng đầu sứ mệnh khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen, InSight sẽ cách mạng hóa kiến thức của nhân loại về điều kiện bên trong lòng sao Hỏa. Những hiểu biết này có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực đưa con người lên sao Hỏa trước năm 2030 của NASA.