Buổi sáng, khi trời vừa rạng thỉnh thoảng ta thấy ở phương Đông ngôi "sao Mai" xuất hiện. Lúc chiều tà vào buổi hoàng hôn, đôi lúc ta lại thấy "sao Hôm" ở phương Tây. Hai ngôi sao này, thực ra chỉ là một. Đó là sao Kim. Sao Kim là ngôi sao sáng chỉ kém Mặt trời và Mặt trăng. Người ta còn gọi sao Kim là sao Thái bạch hoặc Thái bạch kim tinh (ngôi sao rất trắng).
(Ảnh: ffm.junetz) |
Một vòng quay của sao Kim quanh Mặt trời tương đương với 225 ngày trên Trái đất, vòng tự quay là 243 ngày. Vì 2 chiều quay này ngược nhau, nên từ sao Kim nhìn lên Mặt trời sẽ thấy mọc đằng Tây và lặn đằng Đông. Vì 2 vòng quay ngược nhau nên 1 ngày đêm trên sao Kim ngắn hơn thời gian tự quay một vòng rất nhiều. Theo tính toán, 1 ngày đêm trên sao Kim là 117 ngày, mỗi buổi ban ngày và ban đêm là 59 ngày. "1 năm" trên sao Kim chỉ vào khoảng "2 ngày" của nó.
Thế tích và khối lượng của sao Kim cũng xấp xỉ Trái đất. Nó cũng có khí quyển, phản xạ ánh sáng Mặt trời để phát sáng. Trước đây người ta vẫn cho rằng sao Kim và Trái đất là "hai chị em sinh đôi", có thể có sự sống. Từ năm 1961 đến nay, Liên Xô đã phóng 14 tàu thăm dò lên khảo sát sao Kim, thấy rằng tầng khí quyển của sao Kim là một tầng vừa nóng vừa dày đặc mây mưa axit sulfuric. Thành phần chủ yếu của khí quyển sao Kim là CO2 chiếm 97%, hàm lượng agon và neon (Ar và Ne) nhiều hơn khí quyển Trái đất rất nhiều. Bề mặt sao Kim có áp suất là 90Atm, tương đương với áp suất dưới biển sâu 900m của Trái đất. Áp suất lớn như vậy khiến cho cả sao Kim đều chịu "hiệu ứng nhà kính", nhiệt độ mặt sao Kim lên đến 480 độ C. Rõ ràng là với môi trường như vậy không thể có sự sống.