Các nhà khoa học Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh) tuyên bố họ đang tiến gần đến khả năng tìm ra một loại vắc xin ngăn ngừa tất cả các loại cúm sau khi xác định được vai trò của một loại tế bào miễn dịch có thể kháng lại virus gây bệnh.
Đây là kết quả của công trình nghiên cứu nhằm lý giải nguyên nhân vì sao một số người ít mắc bệnh hơn so với những người khác vào thời điểm đại dịch cúm H1N1 bắt đầu bùng phát hồi năm 2009. Theo trưởng nhóm nghiên cứu- Giáo sư Ajit Lalvani, ông cùng các đồng sự đã thu thập mẫu máu hiến tặng của 342 nhân viên và sinh viên trong trường sau thời điểm đại dịch bùng phát.
Ảnh: collective-evolution
Ngoài máu, các tình nguyện viên còn được yêu cầu lấy mẫu niêm mạc mũi và cung cấp thông tin thường xuyên về sức khỏe. Kết quả sau đó cho thấy trong máu của những người mắc bệnh nặng có ít tế bào miễn dịch CD8 T có chức năng kháng virus so với những người bị bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc không nhiễm virus cúm.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy trên toàn cầu có khoảng 250.000 đến 500.000 người tử vong do nhiễm cúm mỗi năm. Mặc dù các loại vắc xin mới liên tục được phát triển nhưng đây vẫn chưa phải là giải pháp toàn vẹn khi nhiều chủng loại cúm mới liên tục xuất hiện.
Do đó, nhóm chuyên gia tin rằng, nếu phát triển loại vắc xin kích thích cơ thể sản xuất nhiều tế bào miễn dịch CD8 T có thể phòng ngừa virus cúm theo mùa hiệu quả hơn, thậm chí bảo vệ con người trước những đại dịch nguy hiểm trong tương lai.