Sóng thần cao 6m đổ vào Đà Nẵng là kịch bản dự kiến diễn tập ứng phó với thảm họa do Ban chỉ đạo Diễn tập ST-11 thành phố Đà Nẵng đưa ra tại buổi họp chiều 3/8.
Dự kiến có gần 3.000 người tham gia diễn tập, trong đó hơn 2.100 công an, bộ đội. Khu vực diễn tập tại phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà).
Theo kịch bản, sáng 7/10, sóng thần xuất hiện trên vùng biển phía tây Philippines với cường độ 8,6-8,8 độ richter. Sau 3 giờ, sóng thần lan truyền đến Đà Nẵng với độ cao 5-6 m.
Ban chỉ đạo diễn tập ST–11 thông qua kịch bản dự kiến ứng
phó sóng thần Đà Nẵng vào ngày 7/10 tới. Ảnh: Xuân Trường.
Một số khu vực ven biển Đà Nẵng bị sóng thần tràn vào gây ngập sâu 2-3 m. Nhà cửa, cây cối đổ sập, giao thông hỗn loạn, tàu thuyền, ngư dân, du khách gặp nạn trên biển và bờ cần cứu hộ khẩn cấp…
Ngay sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo sóng thần, các đài trực canh đã xử lý, truyền số liệu cảnh báo, ban chỉ đạo tổ chức sơ tán, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sóng thần. Hàng loạt tàu, trực thăng, ôtô chuyên dụng được điều đến ứng cứu, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila (Philippines) thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Động đất mạnh 9,2 độ richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 mét ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang. Thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 2 tiếng.
Ngày 11/3, một trận động đất mạnh 9 độ richter đã gây sóng thần cao 10 mét đổ vào đông bắc Nhật Bản, làm 25.000 người chết và mất tích. Sau đó, hàng loạt trận động đất và dư chấn được ghi nhận ở châu Á, như Myanmar, Philippines, Đài Loan. Việt Nam cũng cảm nhận được rung động sau trận động đất 7 độ richter tại Myanmar tối 24/3.