Tiến sĩ David Merritt thuộc Đại học Queensland (Australia) phát hiện nhịp sinh học hàng ngày chính là yếu tố tạo nên hành vi bật và tắt “ánh đèn” ở loài sâu phát sáng, chỉ sinh sống ở Australia và New Zealand.
Ở loài sâu này, những tế bào đặc biệt nằm sau đuôi chính là bộ phận tạo ra ánh sáng thu hút con mồi, trong khi những sợi tơ chứa loại chất nhầy giống như keo lại là chiếc bẫy để chúng săn mồi.
Theo dõi sâu phát sáng sống trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt qua băng ghi hình, Tiến sĩ Merritt nhận thấy loài côn trùng này chỉ “bật đèn” vào ban đêm và “tắt đèn” khi rạng sáng.
Vậy, nhịp sinh học của những con sâu phát sáng sống trong hang động và không bao giờ nhìn thấy ánh sáng thì thế nào? Ông Merritt cho biết loài sâu sống trong hang động có chu kỳ bật-tắt ánh sáng trái ngược với đồng loại sống ở rừng, nghĩa là chúng phát sáng vào ban ngày và tắt ánh sáng khi màn đêm bao trùm hang động.
Từ phát hiện trên, nhà nghiên cứu này cho rằng sâu phát sáng ở rừng và sâu phát sáng trong hang động là hai loài khác nhau.