Bão Mangkhut sẽ đi vào biển Đông và vùng ảnh hưởng dự đoán bao trùm cả vịnh Bắc Bộ.
Chiều 13/9, Tổng cục phó Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho hay, các mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định khả năng siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lên đến 70-80%.
Tổng cục phó Khí tượng thuỷ văn Lê Thanh Hải. (Ảnh: Võ Hải).
Ông Hải cho biết, siêu bão Mangkhut đang ở thời điểm mạnh nhất, sức gió lên đến cấp 16-17. Nhiều khả năng khi đi vào biển Đông, bão sẽ giảm đi hai cấp và giảm tiếp khi quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Lúc đó, bão còn cấp 11-12.
"Dù bão có thể giảm nhưng phạm vi ảnh hưởng lại rất rộng. Nếu bão đi vào phía bắc của vịnh Bắc Bộ, vùng gió mạnh cấp 10 sẽ bao trọn cả vịnh", ông Hải nói.
Cơ quan khí tượng dự báo gió mạnh, sóng lớn trên vịnh Bắc Bộ sẽ bắt đầu từ sáng sớm ngày 16/9 (chủ nhật). Trưa hoặc chiều thứ 2 (17/9), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Thanh Hoá, Nghệ An. Khu vực rìa phía nam của bão có thể ảnh hưởng đến cả Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Nhà chức trách cho rằng bão Mangkhut đổ bộ đúng lúc thuỷ triều đang ở đỉnh nên nước dâng do bão có thể lên 4-6 m, cần hết sức chú ý an toàn đê biển từ Móng Cái đến Nghệ An. Ngoài ra, các vùng đảo, đặc biệt là vùng ở khu Đông Bắc Quảng Ninh, Hải Phòng cần được cảnh báo sớm để có các phương án phòng chống, di dời.
Mắt siêu bão Mangkhut lúc 18h ngày 13/9. (Nguồn: NCHMF).
Tổng cục phó Lê Thanh Hải chia sẻ, việc dự báo đường đi của bão đã tương đối chính xác nhưng dự báo cường độ của bão vẫn có những giới hạn nhất định. Hiện trung tâm đánh giá có hai khả năng xảy ra: bão đi về phía bắc vịnh Bắc Bộ hoặc đi vào giữa vịnh Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia) cho hay, do ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa sẽ dồn dập trong hai ngày 17-18/9 với tổng lượng từ 400 mm.
Hà Nội được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão với gió trung bình cấp 8, tuy nhiên cần lưu ý gió giật. "Với những cây cầu dài như Vĩnh Tuy, Nhật Tân có thể xem xét cấm cầu để đảm bảo an toàn", ông Hưởng nói.
Dự báo nước dâng do bão Mangkhut đổ bộ và thuỷ triều dâng. (Nguồn. NCHMF).
Theo ông Hưởng, việc cấm các phương tiện giao thông di chuyển trên quốc lộ hay cầu đã được một số địa phương thực hiện trước đó. Ví dụ, ở Quảng Ninh khi bão đổ bộ trực tiếp, chính quyền sẽ cấm người và phương tiện qua cầu Bãi Cháy. Năm 2017 Hà Tĩnh cũng cấm lưu thông đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh khi bão vào.
Khi có bão mạnh thì gió Tây Nam cũng rất mạnh nên ngoài việc gây mưa lớn ở phần Bắc, Trung Bộ thì bão cũng gây mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Bà Trịnh Thu Phương (Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ) cho biết trong kịch bản xấu nhất của bão Mangkhut, mưa lớn sẽ gây lũ các sông ở Bắc Bộ, nước sông Bưởi, sông Bùi có thể lên cao. Các tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Lào Cai, vừa xảy ra vỡ đập chứa chất thải, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Theo phân loại bão của Việt Nam, gió từ cấp 8, 9 gọi là bão; cấp 10, 11 là bão mạnh; từ cấp 12 đến 15 là rất mạnh; từ 16 trở lên thì gọi là siêu bão. Khái niệm siêu bão bắt đầu được nhắc đến từ tháng 11/2013, khi cơn bão Haiyan được dự báo đổ bộ vào Việt Nam sau khi gây ra thảm hoạ với trên 7.000 người chết tại Philippines. Một năm sau (tháng 7/2014) bão Rammasun cấp 13 ảnh hưởng trực tiếp đến Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Khi đổ bộ vào TP Móng Cái, bão giảm xuống cấp 10 làm mất điện toàn bộ phía Đông tỉnh Quảng Ninh. |