Sinh quyển

  •  
  • 5.262

Trong hệ Mặt trời, trái đất là một thiên thể duy nhất có sự sống. Bất kể là ở Nam cực, đâu đâu cũng toàn là băng tuyết; hay ở vùng nhiệt đới nóng như thiêu như đốt, bất kể là ở sa mạc nóng bỏng khô cằn hay mênh mông ngoài biển cả, đâu đâu người ta cũng tìm thấy dấu vết của sự sống. Người ta gọi môi trường tồn tại và hoạt động của mọi động vật, thực vật, vi sinh vật là sinh quyển.

Mối quan hệ sinh thái giữa các loài trong sinh quyển (Ảnh: uwsp.edu)

Thực vật là một thành viên quan trọng của sinh quyển. Rất nhiều nhà khoa học cho rằng, khi Trái đất mới hình thành, thành phần chủ yếu của khí quyển lúc bấy giờ là CO2, hàm lượng oxy rất nhỏ. Mãi cho đến khi có thực vật xuất hiện, dưới tác dụng quang hợp của thực vật, oxy mới được sinh ra, làm cho con người đầy trí tuệ và các động vật lớn sống được. Theo ước tính, thực vật trên Trái đất có khoảng hơn 500.000 loài. Thực vật sống cùng nhau được gọi là thảm thực vật như: thảm cây rừng, thảm đồng cỏ, thảm hoang mạc,...

Động vật trong sinh quyển phân bố rất rộng. Theo ước tính, động vật trên Trái đất có khoảng 1,5 triệu loài. Người ta chia động vật theo đặc điểm sinh thái của bầy đàn trong các môi trường tự nhiên khác nhau thành động vật rừng, động vật đồng cỏ, động vật hoang mạc, động vật tài nguyên và động vật núi cao...

Sinh vật trên Trái đất đều có tính thích nghi mạnh mẽ, nhất là vi sinh vật, thích nghi mạnh và sinh sản nhanh. Thăm dò địa chất cho thấy rằng ở dưới sâu hàng trăm mét, thậm chí 1 cây số đều có vi khuẩn. Một số loài cá và sinh vật phù du bậc thấp có thể sống dưới biển ở độ sâu hơn chục km. Quá trình sống là quá trình sinh vật luôn luôn chuyển hóa năng lượng Mặt trời thành năng lượng hóa học. Than và dầu mỏ đều là xác sinh vật diễn biến tích đọng tạo nên. Phong hóa đá, hình thành đất đều không tách rời sự tham gia tích cực của sinh vật.

Sinh quyển của Trái đất đã có hàng tỉ năm phát triển mới hình thành nên một môi trường sống như hiện nay. Trong quá tình diễn biến lâu dài đó, luôn có sự tham gia của khí quyển, thủy quyển và vỏ Trái đất. Do đó, sự hình thành sinh quyển là kết quả tiếp xúc nhau, thấm vào nhau và ảnh hưởng lẫn nhau giữa khí quyển, thủy quyển và vỏ Trái đất.

H.T (Theo Bách khoa tri thức)
  • 5.262