Sinh vật này gần như không thể bị hủy hoại, có thể sống sót thoải mái trong điều kiện khắc nghiệt nhất và chỉ thực sự chết khi Mặt Trời nổ tung.
Bọ gấu nước được phát hiện lần đầu vào 1702 bởi nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek. Trong bức thư gửi tới Hiệp hội Hoàng gia (Anh) tại London, ông viết: "Đã tìm thấy những vi động vật sống trong bùn có trên máng xối của nóc nhà" (On certain animalcules found in the sediment in gutters on the roofs of houses).
Bọ gấu nước có thân béo tròn, di chuyển bằng 8 chân khá to và khoẻ.
Hơn 7 thập kỷ sau, một tu sĩ kiêm nhà khoa học người Ý Lazzaro Spallanzani phát hiện "siêu năng lực" bên trong sinh vật này. Dùng chung phương pháp như Leeuwenhoek, Spallanzani cũng nhìn thấy những sinh vật li ti bò và bơi sau khi được thêm nước vào. Ông gọi chúng là "il Tardigrado", có nghĩa "bò rất chậm" vì những sinh vật này di chuyển không nhanh.
Trên kính hiển vi, bọ gấu nước có thân béo tròn, di chuyển bằng 8 chân khá to và khoẻ. Vì hình dạng này mà chúng được liên tưởng tới loài gấu với thân hình tương tự. Bọ gấu nước không có mắt nhưng bù lại, đầu của nó có một cái miệng rất to và khoẻ, với các mấu sắc cạnh như răng thú để cắn xé thức ăn.
Song chúng ta không phải lo lắng vì bọ gấu nước rất bé, chiều dài không bao giờ quá 1 mm và chỉ nhìn rõ dưới kính hiển vi. Thực tế bọ gấu nước là một nhóm loài với 900 loài riêng biệt được nhận diện. Đa số chúng là loài "ăn chay" bằng cách hút dịch của rêu, tảo và địa y để sống. Chỉ một số ít "ăn mặn" và một vài loài có ăn thịt cả chính đồng loại của mình!
Thực sự chết khi mặt trời nổ tung?
Bọ gấu nước.
Theo Live Science, cơ thể nhỏ bé của bọ gấu nước có cấu tạo đặc biệt giúp chúng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt nhất. Chúng nổi tiếng là sinh vật sống dai nhất, khó hủy diệt nhất Trái đất.
Bọ gấu nước giả chết tốt tới mức chúng có thể sống sót ở những nơi không có nước, với nhiệt độ thấp đến -200 độ C và cao lên tới 151 độ C. Khi gặp nước, chúng lại cử động và nhanh chóng quay về trạng thái bình thường.
Kết quả nghiên cứu năm 2017 cho biết, khả năng sống dai đến mức kinh ngạc của bọ gấu nước là do cấu tạo bao gồm các protein đặc biệt. Chúng có thể phong tỏa các thành phần tế bào dễ tổn thương, tránh cho màng, protein và AND bị phá hủy.
Thực tế bọ gấu nước là một nhóm loài với 900 loài riêng biệt được nhận diện.
Không chỉ sống sót trong điều kiện đóng băng, đun sôi và khô kiệt, bọ gấu nước còn chịu được áp suất lên tới 600 megapascal, gấp 6 lần áp suất ở đáy biển. Chỉ nửa mức áp suất đó đã đủ giết chết hầu hết sinh vật trên Trái Đất, nghiên cứu năm 2017 cho biết.
Giới nghiên cứu thậm chí còn đưa bọ gấu nước vào vũ trụ, để chúng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ Mặt Trời và tia gama. Nhưng chúng vẫn sống như thường khi trở lại Trái đất.
Bọ gấu nước dường như có khả năng chịu bức xạ và thậm chí sửa chữa lại ADN. Điều này có thể lý giải tại sao chúng mau phục hồi trước tác động của bức xạ. Chính vì khả năng sống dai này mà người ta cho rằng, bọ gấu nước chỉ thực sự chết khi Mặt trời nổ tung.
Tiến sĩ Thomas Boothby từ ĐH Bắc Carolina cho biết, sở dĩ bọ gấu nước có thể tiệm cận "bất tử" vì chúng đã phát triển được các gene đặc biệt, cho phép chúng tồn tại trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.