Sơ cứu trẻ kẹt dương vật vào dây khóa quần

  •   1,52
  • 2.955

Dùng dầu bôi trơn tưới nhiều lên khắp vùng da bị kẹt, dây kéo và dương vật của trẻ. Đợi khoảng 15-20 phút, da bị kẹt có thể tự "chuồn ra" khỏi khóa kéo.

Khi tai nạn này xảy ra, trẻ rất đau và hoảng loạn khiến người lớn cũng hoảng theo. Đa số người nhà sẽ làm theo quán tính là ráng kéo khóa quần lên xuống để mong giải phóng phần da bị kẹt. Tuy nhiên điều này có thể gây tổn thương, bầm dập thêm vùng da bị kẹt và gây đau đớn nhiều hơn cho trẻ.

Bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo cho biết, một mẹo đơn giản là nếu có loại dầu bôi trơn nào, như dầu dừa, dầu ăn, dầu khoáng (những loại không gây hại cho da), nên tưới nhiều lên khắp vùng da bị kẹt, phéc mơ tuy và dương vật của trẻ. Đợi khoảng 15-20 phút, da bị kẹt có thể tự "chuồn ra" khỏi khóa kéo.

Nếu muốn nhanh hơn và có sẵn kéo ở đó, có thể làm theo cách sau:

  • Nếu da đầu dương vật bị kẹt giữa đường răng của phéc mơ tuya (như hình minh họa):
  • Lấy kéo cắt ngang đường răng kéo nằm dưới chỗ kẹt và tách hai đường răng ra để giải phóng phần da kẹt (số 2).
  • Nếu có kéo mạnh nữa (thường là kiềm cắt dây kim loại), có thể cắt thanh ngang của khóa trượt (số 1) để hai bản trước sau của khóa trượt được tách ra. Sau đó tiếp tục tách hai đường răng ra để giải phóng phần da kẹt.

Khi tai nạn này xảy ra, trẻ rất đau và hoảng loạn khiến người lớn cũng hoảng theo.
Khi tai nạn này xảy ra, trẻ rất đau và hoảng loạn khiến người lớn cũng hoảng theo.

Nếu da đầu dương vật bị kẹt đúng ngay khóa trượt:

  • Không nên cắt cúp gì tại nhà vì có thể nguy hiểm. Chỉ nên thử bôi nhiều dầu vào vùng kẹt xem có thể tự trượt ra không, hoặc thử kéo khóa xuống sau khi bôi dầu. Nếu không được, đừng nên thử kéo khóa lên xuống nhiều lần mà nên cho bé đi cấp cứu để được can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Huyên Thảo, không nên để da kẹt vào khóa trong thời gian lâu vì có thể gây sưng nề, nhiễm trùng và khó khăn cho việc can thiệp sau đó. Lúc nào cũng phải bình tĩnh, trấn an bé, giải thích điều đang làm cho bé biết để có sự hợp tác tốt.

Nếu tự giải quyết được tai nạn tại nhà, nên cho bé đi khám bác sĩ để đánh giá tổn thương nếu:

  • Có vết thương da hở.
  • Có chảy máu.
  • Nếu bé đi tiểu đau, hoặc thấy có máu trong nước tiểu.
Cập nhật: 12/03/2016 Theo VnExpress
  • 1,52
  • 2.955