Sóc nằm bẹp hàng loạt dưới đất do nắng nóng kỷ lục ở California

  •  
  • 256

Thời tiết nóng như thiêu đốt khiến hàng loạt con sóc ở California phải nằm bẹp dưới đất để sống sót.

Những con sóc tìm cách tránh nóng.
Những con sóc tìm cách tránh nóng. (Ảnh: Twitter).

Dưới nhiệt độ chạm ngưỡng 40,5 độ C ở San Francisco, những con sóc trong vùng chỉ có cách nằm dang rộng tứ chi để làm mát cơ thể, Newsweek hôm 9/9 đưa tin. Alison Hermance, nhân viên ở bệnh viện chăm sóc động vật hoang dã WildCare tại San Rafael cho biết bệnh viện thú y của cô nhận được nhiều cuộc gọi của người dân bày tỏ lo ngại khi sóc nằm bẹp dưới đất.

Theo Cơ quan công viên New York, vào ngày nắng nóng, sóc hạ nhiệt bằng cách dang rộng chân tay trên bề mặt mát mẻ để giảm bớt nhiệt độ cơ thể. Động vật, bao gồm con người, cần điều hòa nhiệt độ để tránh sốc nhiệt. Con người có nhiều cách làm mát trong nắng nóng, từ đổ mồ hôi tới giãn mạch máu ở da để ngăn không khí nóng lưu lại trên bề mặt cơ thể.

Tuy nhiên, động vật có lông không thể đổ mồ hôi, có nghĩa chúng cần làm mát theo cách khác. Ngoài tìm bóng râm, nhiều động vật áp cơ thể lên bề mặt mát mẻ, chẳng hạn như sóc.

"Sóc tìm cách để cơ thể tiếp xúc nhiều hết mức có thể với bề mặt mát mẻ như bê tông hoặc lề đường dưới bóng râm", Charlotte Devitz, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu hành vi của sóc ở Đại học Minnesota, giải thích. "Những động vật khác có hành vi tương tự bao gồm gấu, chó, mèo và rái cá".

Phản ứng với nhiệt này ở động vật tại California là do ảnh hưởng của đợt nắng nóng cực hạn gây ra bởi vòm nhiệt. Các chuyên gia cho rằng đây là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu khiến những sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng mạnh và thường xuyên hơn. Theo một bài báo công bố trên tạp chí PNAS năm 2020, 1/3 động thực vật trên Trái Đất có thể tuyệt chủng vào năm 2070 nếu xu hướng phát thải khí nhà kính hiện nay tiếp diễn.

Cập nhật: 13/09/2022 VnExpress
  • 256