Sông băng Himalaya vỡ “như núi lửa phun trào”

  •  
  • 900

Báo The New York Times hôm 8/2 dẫn lời Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Trivendra Singh Rawat, cho biết 7 thi thể đã được tìm thấy và khoảng 125 người, trong đó có nhiều công nhân làm việc tại 2 dự án thủy điện nêu trên, đã mất tích.

Những gì xảy ra hôm 7/2 khiến người ta nhớ lại đợt lũ lụt kinh hoàng ở Uttarakhand hồi năm 2013, khi mưa lớn nhiều ngày dẫn đến sạt lở, cuốn trôi nhiều ngôi làng và khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, đợt thảm họa mới đây còn làm dấy lên nhiều lo ngại về những gì sắp xảy ra. Giới khoa học cho rằng việc một con sông băng vỡ vào giữa mùa đông dường như là hậu quả của biến đổi khí hậu, cho thấy nhiệt độ nóng lên đang khiến băng trên Himalaya tan chảy với tốc độ đáng báo động.

Phần lớn sông băng trên Himalaya, vốn cung cấp nguồn nước cho hàng triệu người, có thể biến mất vào cuối thế kỷ này, một nghiên cứu mới đây cho thấy.

Việc xảy ra hôm 7/2 khiến người ta nhớ lại đợt lũ lụt kinh hoàng ở Uttarakhand hồi năm 2013
Những gì xảy ra hôm 7/2 khiến người ta nhớ lại đợt lũ lụt kinh hoàng ở Uttarakhand hồi năm 2013, khi hàng ngàn người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters).

Quận Chamoli, bang Uttarakhand, dường như là địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước sông Dhauliganga dâng lên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Amit Shah mới đây cho biết các nhóm từ lực lượng ứng phó khẩn cấp đã được điều động đến khu vực. Hàng trăm binh sĩ cũng đã được triển khai, những quan chức khác cho biết.

Những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nước chảy xối xả xuống các hẻm núi, tàn phá cầu và dự án thủy điện Rishiganga.

Ông Ratan Singh Rana, đến từ làng Raini gần dự án nêu trên, cho biết dòng nước lao xuống núi vào khoảng 10 giờ 30 phút (giờ địa phương), gây ra những tiếng động khủng khiếp "như thể núi lửa đang phun trào".


7 thi thể đã được phát hiện trong khi 125 người mất tích. (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi sống cách đó chỉ khoảng 20-25m. Chúng tôi vừa chạy vừa kêu cứu… Chúng tôi cứ nghĩ cả thế giới sẽ bị nhấn chìm. Tôi đã nghĩ hôm đó là ngày tận thế, ngày chúng tôi lìa xa cõi đời này" – người đàn ông 55 tuổi kể lại.

Đến chiều 7/2, dường như diễn biến tồi tệ nhất của trận lũ đã kết thúc. Thủ hiến Rawat đến Chamoli và chia sẻ một đoạn video lên mạng xã hội Twitter, cho thấy dòng nước đã chậm lại.

Theo truyền thông địa phương, lực lượng cứu hộ đến giờ đã giải cứu được 16 người mắc kẹt trong một đường hầm.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giải cứu công nhân mắc kẹt trong những đường hầm" – Thủ hiến Rawat khẳng định.

Ảnh chụp gần Dhauliganga, dự án thủy điện thứ 2 bị hủy hoại.
Ảnh chụp gần Dhauliganga, dự án thủy điện thứ 2 bị hủy hoại. Ảnh: EPA


Ảnh: AP

Cập nhật: 09/02/2021 Theo NLĐ
  • 900