Sống đến 200 tuổi, con người sẽ ra sao?

  •  
  • 14.681

Khoa học sẽ biến khát vọng trường thọ của con người thành hiện thực. Nếu điều đó xảy ra, hệ quả kéo theo sẽ là gì?

Năm ngoái, tạp chí Te chnology Review đã treo giải SENS Chal lenge trị giá 20.000 USD cho bất cứ nhà khoa học nào chứng minh được khả năng khống chế sự lão hóa. Và Quỹ Methuselah cũng treo giải M-Prize trị giá 3,5 triệu USD cho những ai có thể làm chậm lại hoặc đảo lộn được ảnh hưởng của sự lão hóa...

Có tất cả 5 đội nghiên cứu đăng ký tham gia SENS Challenge, nhưng chỉ có 3 đội thỏa mãn được yêu

Chuyên gia sinh học phân tử Aubrey de Grey

Chuyên gia sinh học phân tử Aubrey de Grey
(Ảnh: sens.org)

cầu về thời hạn, trong đó bao gồm những tên tuổi có ảnh hưởng đối với nền khoa học và kỹ thuật thế giới như J. Craig Venter và Nathan Myhrvold... Cuối cùng, vì không có người chiến thắng, nên chỉ một nửa giải thưởng trị giá 10.000 USD được trao như “món quà mọn” cho J. Estep và các đồng nghiệp ở Trung tâm Lão khoa New York về những “nỗ lực nghiêm túc và chân thành”...

Vệ sinh... tế bào

Sau những khởi đầu không mấy sáng sủa, một số nhà khoa học cho rằng cuối cùng thì con người cũng sẽ tiếp cận được khả năng trường thọ, nếu không vô hạn thì ít ra cũng kéo dài được... vài chục năm. Khả năng này không phải có được từ việc uống loại nước tái sinh hay những chất chuyển hóa nhiệm mầu, mà từ việc nhận thức khoa học về cách sự lão hóa ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta ở mức độ phân tử và tế bào.

Chẳng hạn như kế hoạch 7 phần của chuyên gia sinh học phân tử Aubrey de Grey ở Viện Hàn lâm khoa học Pháp, để sửa đổi và ngăn ngừa những thương tổn cơ thể liên quan đến lão hóa ở phạm vi gien và tế bào, bao gồm việc loại trừ những đột biến đưa đến ung thư và các bệnh liên quan đến tuổi tác, đặc biệt là... tiệt trùng các protein già cỗi tích tụ lâu ngày trong tế bào... Và, chiến lược gắn kết di truyền hay kỹ thuật bắt chước tác dụng của việc giới hạn năng lượng đã cho thấy dấu hiệu khả quan trên nhặng trái cây, giun và chuột thí nghiệm. Nhiều nhà khoa học hiện tin rằng có thể vào một ngày nào đó, con người sẽ sống bình thường đến 140 tuổi hay hơn...

Tuổi thọ gấp đôi

Nếu các nhà khoa học có thể tạo ra được viên thuốc tiên cho phép con người sống đến... 200 tuổi, bạn có sử dụng? Câu trả lời chắc chắn là có - tất nhiên với điều kiện cuộc sống tuổi già không đau yếu, bệnh tật. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng như thế thì bạn quá ích kỷ. Thế nhưng, điều mà xã hội cần không phải từ những người có tuổi thọ gấp đôi. Thế là vấn đề lại quay về với hội thảo về khoa học sức khỏe tuổi thọ Kronos tổ chức ở Arizona từ 2 năm trước.

Theo giám đốc Gregory Stock của Chương trình Y tế, Công nghệ và Xã hội thuộc UCLA’s School of Public Health, thì câu trả lời cho vấn đề (trường thọ) này chắc chắn là có. “Việc kéo dài tuổi thọ gấp đôi sẽ cho chúng ta cơ hội làm lại những sai lầm, đưa chúng ta đến với những chiến lược lâu dài hơn và giảm đáng kể chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhờ trì hoãn được sự bắt đầu của những chứng bệnh do lão hóa. Điều đó có thể còn gia tăng năng suất lao động nhờ có thêm những năm tháng khỏe mạnh..."

Nhà đạo đức sinh học Daniel Callahan
Nhà đạo đức sinh học Daniel Callahan (Ảnh: thefutureoflife)
Trong khi đó, nhà đạo đức sinh học Daniel Callahan, đồng sáng lập Trung tâm Hastings ở New York, lại không chia sẻ quan điểm với Stock. Ông này cho rằng việc kéo dài tuổi thọ sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của xã hội hiện nay. “Chúng ta đang đối mặt với chiến tranh, nghèo đói và nhiều vấn đề khác của xã hội hiện đại, tất cả sẽ không thể được giải quyết bằng việc làm cho người ta sống lâu hơn. Vấn đề cốt yếu là xã hội sẽ được gì khi có quá nhiều người già...”. Và, những người khác còn chỉ ra rằng, việc kéo dài tuổi thọ gấp đôi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội ở nhiều mức độ, như cuộc sống hôn nhân, gia đình và công việc sẽ thay đổi cơ bản, trong đó có sự tác động nhiều mặt đến tuổi trẻ và người già...

Hôn nhân gia đình

Người đầu tiên quan ngại về các tác động xã hội từ việc kéo dài tuổi thọ là chuyên gia tâm lý Richard Kalish. Ông này cho rằng sống lâu hơn sẽ thay đổi triệt để cách chúng ta nhìn nhận về hôn nhân. Hiện nay, một đôi vợ chồng ở tuổi 50 hay 60 cố gắng sống chung với một tình yêu không trung thực, và có thể sẽ tiếp tục chịu đựng đến 15-20 năm nữa.

Nhưng nếu họ biết chắc sẽ phải sống cảnh “ngục tù” đến 60 hay 80 năm nữa, sự chọn lựa chắc chắn sẽ là... “đường ai nấy đi”... Kalish còn dự đoán rằng khi tuổi thọ gia tăng gấp đôi, sẽ có những thay đổi về tầm quan trọng của hôn nhân như một “tiêu chuẩn hợp đồng dài hạn” của cuộc sống gia đình tương lai khi các cặp vợ chồng cam kết sống chung dài lâu. Và, những cuộc “hôn nhân chớp nhoáng” cũng sẽ rất phổ biến...

Tuổi thọ gấp đôi cũng sẽ tái định hình khái niệm gia đình theo những cách khác - Chris Hackler, đứng đầu Phân ban Y tế nhân đạo thuộc ĐH Arkansas, nói. Nếu tình trạng đa-hôn-nhân trở nên phổ biến đúng như dự báo của Kalish và mỗi cặp vợ chồng sẽ có nhiều con, khi ấy sự căng thẳng giữa các anh chị em ruột sẽ trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, nếu các vặp vợ chồng tiếp tục xu hướng hiện tại có con bắt đầu ở tuổi 20-30, khi ấy sẽ có 8 thậm chí 10 thế hệ cùng chung sống trong một đại gia đình chật chội...
”.

Hơn nữa, nếu việc kéo dài tuổi thọ khả thi sẽ còn gia tăng độ tuổi sinh sản của phụ nữ, và như thế sẽ có nhiều trẻ sơ sinh mới chào đời đã có anh chị 40 hay 50 tuổi. “Nếu chúng ta trẻ hơn 100 năm so với cha mẹ và con cái trẻ hơn 60 tuổi so với chúng ta, chắc chắn sẽ tạo ra những khác biệt đáng kể về các mối quan hệ xã hội” - Hackler viết trên chuyên san PNSA.

Và công việc

Việc sống lâu hơn chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta có nhiều thời gian hơn cho công việc, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp và tuổi nghỉ hưu cũng sẽ được gia hạn, nhưng vấn đề hệ thống an sinh xã hội sẽ ra sao?

Nếu công ty của bạn có những nhân viên đảm nhận công việc đã... 100 năm, môi trường làm việc sẽ khắc nghiệt đối những người trẻ trong việc thăng tiến” - Callahan giải thích. Ông còn cho rằng, các công ty và trường đại học có thể sẽ bị thống trị bởi một số cá nhân già cỗi nếu những nhân viên, ban giám đốc và các giáo sư “chiếm hữu” này từ chối rời bỏ vị trí.

Không có sự kế tục của những tài năng và ý tưởng trẻ trung, công việc ở những nơi này có thể tồn đọng, trì trệ và sẽ đối mặt với sự tụt hậu... Và, Hackler còn chỉ ra rằng những vấn đề tương tự liên quan đến chính trị cũng sẽ nảy sinh. Điều gì sẽ xảy ra khi một số cá nhân tiếp tục nắm giữ quyền lực đến cuối đời?!

ĐÀO HÙNG

Theo Người lao động
  • 14.681