Một đoạn sông Dương Tử ở miền đông Trung Quốc bị nhiễm hóa chất rò rỉ từ một tàu chở hàng, làm hàng nghìn người dân nước này lo lắng và đổ xô đi mua nước đóng chai để sử dụng.
Sông Dương Tử là nguồn cung cấp nước ăn và sinh hoạt chủ yếu cho các thành phố ở miền đông Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, thành phố đông dân nhất. Đoạn sông bị rò rỉ hóa chất thuộc địa phận tỉnh Giang Tô, làm người dân ở đây lo lắng và tranh nhau mua nước đóng chai về dự trữ.
Shanghai Daily dẫn lời ông Chen Wei, giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, cho biết hiện tại mức ô nhiễm "không ảnh hưởng đến sức khỏe" và khẳng định thành phố sẵn sàng đóng các hồ chứa nước ở cửa sông nếu mức độ hóa chất trong nước tăng cao.
Người dân ở Giang Tô đổ xô đi mua nước đóng chai sau khi
nghe tin nước sông Dương Tử bị ô nhiễm. (Ảnh: Jiangsuwang)
Các nhà chức trách xác nhận, phenol - một hợp chất axít sử dụng làm chất tẩy rửa, đã rò rỉ vào lòng sông trong tuần vừa qua. Nguyên nhân có thể xuất phát từ một tàu chở hàng của Hàn Quốc.
Trong khi đó, người dân Trấn Giang và các thành phố lân cận đã đi mua nước đóng chai để uống sau khi một số người ngửi thấy "mùi lạ" bốc lên từ dòng sông. Một người bán hàng cho biết siêu thị của cô đã bán được hơn 10.000 chai nước chỉ trong 4 tiếng và không còn nước để bán.
Dương Tử, còn có tên khác là Trường Giang, là con sông dài nhất châu Á và dài thứ ba trên thế giới, chỉ sau các sông Nile ở châu Phi và Amazon ở Nam Mỹ.
Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng là những vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc, quốc gia công nghiệp hóa, phát triển rất nhanh về kinh tế và thương mại, phải đối mặt.
Tháng trước, một vụ rò rỉ cadmium, chất có thể gây ung thư, từ một mỏ công nghiệp đã làm ô nhiễm hai dòng sông ở phía nam Trung Quốc. Các nhà chức trách đã phải khuyến cáo 3,7 triệu người dân ở Liễu Châu, Quảng Tây ngừng sử dụng nước từ hai dòng sông này.
Trung Quốc đã nỗ lực để ngăn chặn rò rỉ hóa chất và chất độc gây ô nhiễm từ các nhà máy và cơ sở chăn nuôi thải vào môi trường. Song đến nay vẫn chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể, gây bức xúc và lo lắng cho nhiều người dân.