Sông Tigris: Nơi khởi nguồn của nền văn minh nhân loại

  •  
  • 1.147

Sông Tigris hùng vĩ là nơi con người lần đầu tiên phát triển nông nghiệp, chữ viết và bánh xe. Tuy nhiên, dòng sông từng là huyết mạch của thế giới cổ đại này đang phải đối mặt với những mối đe dọa.

Sông Tigris: Nơi khởi nguồn của nền văn minh nhân loại

Sông Tigris hùng vĩ là nơi con người lần đầu tiên phát triển nông nghiệp, chữ viết và bánh xe. Tuy nhiên, dòng sông từng là huyết mạch của thế giới cổ đại này đang phải đối mặt với những mối đe dọa.

Đến được đầu nguồn sông Tigris là một hành trình đầy thử thách. Đi hết con đường đất là con đường nhỏ dẫn qua vai một ngọn núi gồ ghề. Nó dần trở thành một con đường mòn hẹp, nguy hiểm, uốn khúc quanh sườn đồi cho đến khi bắt gặp những con suối. Chúng tạo thành dòng nước xiết chảy vào một đường hầm lớn. Đi khoảng 1,5 km vào trong, một dòng sông khác lại xuất hiện nhưng ít dữ dội hơn.

Người Assyria cổ đại tin rằng đây là nơi gặp gỡ của thế giới vật chất và tâm linh. Ba ngàn năm trước, quân đội của họ đã đi ngược dòng để thực hiện các nghi lễ và dâng lễ vật cho thần linh. Một bức phù điêu của Tiglath-Pileser, vua của Assyria từ năm 1114 - 1076 TCN, vẫn còn ở lối vào đường hầm. Bất chấp tác động của thời gian, bức phù điêu vẫn đứng sừng sững và nghiêm nghị, chỉ tay về phía đế chế rộng lớn của mình.

Sông Tigris bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, chảy theo hướng đông nam ra khỏi dãy núi Taurus. Nó chảy dọc rìa đông bắc của Syria và sau đó đi qua các thành phố như Mosul, Tikrit và Samarra trước khi đến thủ đô Baghdad của Iraq. Ở miền nam Iraq, Tigris hợp lưu với sông Euphrates gần đầm lầy Lưỡng Hà và cùng chảy vào Vịnh Ba Tư.

Sông Tigris bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ
Sông Tigris bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Khoảng 8.000 năm trước, tổ tiên săn bắn hái lượm của loài người đã định cư ở bãi bồi giữa sông Tigris và Euphrates. Tại đây, họ bắt đầu trồng trọt và chăn nuôi; chính vì vậy nhiều người gọi khu vực là "cái nôi của nền văn minh nhân loại". Từ các thành phố đầu tiên như Eridu, Ur và Uruk, con người đã có những phát minh quan trọng như bánh xe và chữ viết, sau đó là hệ thống luật pháp, thuyền buồm, nấu bia, những bản tình ca và nhiều phát minh khác.

Do xung đột kéo dài nhiều năm ở Iraq hiện đại, vai trò quan trọng của sông Tigris trong việc định hình và bảo vệ lịch sử nhân loại dễ dàng bị lãng quên.

 Diyarbakır là một trong những nơi định cư lớn dọc theo sông Tigris
Diyarbakır là một trong những nơi định cư lớn dọc theo sông Tigris và là thành phố có người Kurd sinh sống lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách nơi sông Tigris bắt đầu ở Eğil (Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng 80km là một lâu đài cổ của người Assyria. Theo thời gian, thành lũy của lâu đài cũng được sửa chửa và thay đổi qua các nền văn minh như Hy Lạp, Armenia, Byzantine, La Mã và Ottoman khi họ sống dọc bờ sông. Xa hơn về phía hạ lưu ở thành phố Diyarbakır (Thổ Nhĩ Kỳ) là một pháo đài đã có từ thời đại đồ đồng. Ngày nay, thành phố này giống như thủ đô không chính thức của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những con hẻm mê cung của nó, một khoảng sân bazan rợp bóng cây dâu tằm được dùng làm nơi nghỉ ngơi; âm thanh vang vọng khắp các bức tường.

Ở đó, Feleknaz Aslan đang ngồi trên ghế dài, đưa tay lên tai. Cô là một dengbêj, người kể chuyện qua bài hát của người Kurd; tổ tiên của họ đã truyền lại lịch sử và truyện dân gian cho các thế hệ bằng loại hình này.

Bài hát của Aslan kể về câu chuyện tình yêu bi thảm dọc bờ sông Tigris. Và mặc dù phụ nữ là người sáng tạo ra dengbêj, hầu hết các ca sĩ hiện nay đều là nam giới. Dengbêj là một cách để bảo tồn bản sắc và văn hóa của họ và sông Tigris là bối cảnh chung trong các bài hát. Dòng sông giữ vai trò là yếu tố trung tâm trong cuộc sống của người Kurd ở khu vực, cả trong quá khứ và hiện tại.`

Về phía đông nam của Diyarbakır, sông Tigris đã tạo nên một hẻm núi sâu qua vùng Tur Abdin của dãy núi Taurus. Trong nhiều thế kỷ, đây là khu vực trung tâm và quan trọng nhất đối với Giáo hội Chính thống Syria cổ đại, có nguồn gốc từ thời kì đầu trong lịch sử Ki-tô giáo. Mor Evgin, một tu viện có từ thế kỷ thứ 4 được xây dựng bên cạnh vách đá ở đây như thể chỉ được giữ vững bằng đức tin.

Bên trong, lớp thạch cao được phủ bởi một số Ki-tô hữu đầu tiên trên thế giới và chữ viết Syriac phức tạp vẫn còn trên tường. Nơi này như một lời nhắc nhở về việc những vùng đất màu mỡ xung quanh sông Tigris đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc phát triển và truyền bá các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo) trên khắp thế giới.

Việc tiếp cận sông Tigris thường gặp nhiều thách thức. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, giao thông trên sông rất phức tạp do một loạt dự án xây đập gây tranh cãi. Ở Syria, sông Tigris là biên giới quốc tế. Chỉ khi đến Mosul, một thành phố bị chia đôi bởi dòng sông, việc di chuyển mới thoải mái hơn.

Mosul là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới
Mosul là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới.

Trong thời kỳ ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, một tên gọi khác của IS) kiểm soát thành phố Mosul từ năm 2014 đến năm 2017, quy định cấm sử dụng sông Tigris được đưa ra. Kết quả là thành cổ Mosul, nằm ở bờ tây sông, được coi là thành lũy cuối cùng của IS. Trong cuộc giao tranh, mọi cây cầu ở Mosul bắc qua sông đều bị phá hủy và một số chiến binh IS đã nhảy xuống sông Tigris để trốn thoát trong trận chiến cuối cùng.

Trong lịch sử, dòng sông là yếu tố thống nhất và kết nối giữa thành phố và người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong thời kỳ ISIS, con sông đã trở thành tâm điểm xung đột, chứng nhân cho những thay đổi về vận mệnh của thành phố cũng như những thách thức nó phải đối mặt.

Tên tiếng Ả Rập của Mosul là Al-Mawsiil, có nghĩa là "điểm liên kết". Điều này có thể là do thành phố từng là ngã tư giao thương quan trọng và là trung tâm chính dọc theo sông Tigris, nối Diyarbakır và Basra.

Mosul được thành lập vào thế kỷ thứ 7 TCN, khiến nó trở thành một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao vào thế kỷ 12 CN, Mosul không chỉ nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng lớn đối với khu vực mà còn có dân số đa dạng với các sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Sự pha trộn giữa các nền văn hóa đưa Mosul trở thành nơi có nền văn hóa đa dạng và phong phú. Trong khi phần lớn Mosul đã bị ISIS phá hủy, tinh thần bền bỉ của thành cổ vẫn còn đó.

"Mọi người nghĩ rằng chúng tôi không còn gì cả. Nhưng sau tất cả, có rất nhiều điều dọc theo sông Tigris vẫn tồn tại. Và hơn thế nữa, người Iraq luôn xây dựng lại. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự phá hủy". Salman Khairalla, đồng sáng lập Hiệp hội những người bảo vệ sông Tigris.

Nhà thờ Hồi giáo lớn al-Nouri có từ thế kỷ 12 ở Mosul đang được xây dựng lại với khoản tài trợ khổng lồ từ UNESCO và UAE. Bên cạnh đó là sự hồi sinh văn hóa cộng đồng đang diễn ra ở thành phố. Đối diện Nhà thờ al-Nuri là Baytna, nghĩa là "ngôi nhà của chúng tôi" trong tiếng Ả Rập.

Không gian này được cải tạo một ngôi nhà cũ thời Ottoman; các nghệ sĩ trẻ từ Mosul sử dụng nó làm một cơ sở đa năng, phục vụ như một bảo tàng, quán cà phê và địa điểm tổ chức sự kiện bằng cách. "Chúng tôi không muốn mọi người quên những gì đã xảy ra ở đây. Nhưng chúng tôi muốn tạo cơ hội việc làm, và một nơi để hỗ trợ những người có kỹ năng", Sara Salem Al-Dabbagh, một trong những người sáng lập không gian, nói.

Cánh cổng cổ xưa dẫn lối vào Ashur, thủ đô đầu tiên của đế chế Assyria.
Cánh cổng cổ xưa dẫn lối vào Ashur, thủ đô đầu tiên của đế chế Assyria.

Sông Tigris dẫn đến Ashur, thủ đô đầu tiên của đế chế Assyria, nơi có một ziggurat (công trình được xây dựng trên vùng đất nâng cao) 4.000 năm tuổi thấp thoáng trên sông. Trên sa mạc bên kia là Nimrud, thủ đô của đế quốc cổ Assyria, và thành phố Hatra hơn 2.000 năm tuổi. Cả ba đều bị IS tàn phá nhưng nhóm các nhà khảo cổ học địa phương đang cố gắng bảo vệ những địa điểm, ngay cả với nguồn lực ít ỏi có sẵn.

Mặc dù là một nơi được biết đến với chiến tranh và thù địch nhưng lòng hiếu khách vẫn luôn hiện hữu ở đây. Dù là trong tháng Ramadan (trong tháng này người Hồi giáo sẽ không ăn và không uống từ lúc bình minh tới khi mặt trời lặn) chủ nhà vẫn chuẩn bị trà trong thời gian nhịn ăn. Những bữa ăn thịnh soạn thường có thịt dê là món chính được chiêu đãi ngay cả ở những ngôi làng khó khăn.

Tại làng Kifrij, thị trưởng chia sẻ câu chuyện về hai người chăn cừu trẻ đã liều mạng để giúp người dân thoát khỏi các khu vực do ISIS chiếm giữ bên kia sông Tigris vào ban đêm chỉ bằng một cái săm máy kéo. Bất chấp tình trạng bạo lực gần đây, lòng hảo tâm của người dân vẫn luôn tồn tại, và họ sẵn sàng giúp đỡ người lạ. Giống như khúc quanh của sông Tigris, dòng sông được dệt nên xuyên suốt những câu chuyện này - như một ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng cũng là cách để thể hiện những hành động tử tế.

Người Mandaean tin rằng sông Tigris rất linh thiêng.
Người Mandaean tin rằng sông Tigris rất linh thiêng.

Mandaean là một nhóm sắc tộc tôn giáo nhỏ nhất và có lẽ là lâu đời nhất ở Iraq. Người Mandaean thực hiện nghi lễ rửa tội thường xuyên như một cách để nuôi dưỡng mối liên hệ tâm linh và thanh lọc bản thân khỏi tội lỗi. Những lễ rửa tội này diễn ra khi nước sông đang chảy, và sông Tigris, một trong hai con sông ban đầu giúp đức tin của họ phát triển, vẫn là nơi sinh sống của nhiều người Mandaean.

Đằng xa, một linh mục hướng dẫn 8 người phụ nữ thực hiện nghi thức và đọc những lời cầu nguyện bằng tiếng Mandaic, một phương ngữ Aram cổ mà cộng đồng này là những người duy nhất bảo tồn và còn sử dụng. "Nước ở đây cũng giống như ở vũ trụ tiếp theo", người phụ tá linh mục nói, cho thấy rằng nước sông thiêng liêng như thể nó đến từ một cõi bên ngoài vũ trụ.

"Người Iraq luôn có hy vọng. Dù thế hệ đi trước chúng tôi làm gì, chúng tôi đều có thể thay đổi". Khairalla.

Dù giữ vai trò quan trọng đối với người Mandaean và nhiều cộng đồng khác nhưng sông Tigris đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động như Khairalla, nhà khảo cổ học ở Ashur và những nghệ sĩ Mosul đang hồi sinh nền văn hóa của họ đều kiên định trong cam kết bảo vệ dòng sông, bất chấp những thách thức và đe dọa nó đối mặt.

Cập nhật: 24/09/2023 hoadatviet.phunuvietnam
  • 1.147