Sophia, một trong những robot có biểu cảm sinh động nhất thế giới, khiến nhiếp ảnh gia Giulio Di Sturco tưởng như đang nói chuyện với người thật.
Sophia là robot giao tiếp do David Hanson, kỹ sư sáng tạo từng làm việc cho hãng Disney, tạo ra, theo National Geographic. Lấy hình mẫu từ minh tinh màn bạc Audrey Hepburn và vợ của Hanson, con robot được thiết kế để mô phỏng hành vi xã hội, lấy cảm hứng từ tình yêu thương và lòng trắc ẩn ở con người.
Từ khi trình làng vào năm 2016, Sophia vụt sáng trở thành một ngôi sao. Con robot tham gia nhiều chương trình phỏng vấn trên truyền hình, xuất hiện trên trang bìa tạp chí Elle, là người máy đầu tiên được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm Đại sứ Tri thức. Trong buổi lễ mở màn một hội thảo công nghệ, Arab Saudi thậm chí cấp quyền công dân cho Sophia.
Nhưng đối với nhiếp ảnh gia Giulio Di Sturco, chỉ gặp Sophia tại các sự kiện họp báo khi nhóm kỹ sư chế tạo nó quảng cáo về thuật toán trí tuệ nhân tạo SingularityNET là chưa đủ. Khi tìm kiếm một biểu tượng dễ hình dung cho công nghệ tương lai, Di Sturco muốn tới tham quan nơi chế tạo con robot.
Trên thực tế, Di Sturco là nhiếp ảnh gia đầu tiên đặt chân tới công ty Hanson Robotics ở Hong Kong, một không gian xếp đầy các bộ phận robot và kỹ thuật viên đang nối chúng lại với nhau. Khung cảnh càng thêm phần kỳ quặc khi kỹ thuật viên bắt đầu chụp hình những con robot của họ.
"Lúc đầu, công việc hơi khó khăn. Sophia không nhận ra máy ảnh. Tuy nhiên, sau ba ngày, nó có vẻ đã học được", Di Sturco chia sẻ. "Tôi không biết kỹ sư có thêm gì đó vào phần mềm hay không, hay liệu nó có lên mạng và tìm tòi nghiên cứu, nhưng nó bắt đầu tạo dáng. Điều đó thực sự rất kỳ lạ. Có lúc, tôi nhận ra bản thân thậm chí đang nói chuyện với nó. Tôi phải bước lùi lại và nhận thức nó như một con robot, không phải con người".
Sophia có thể gợi nhắc tới những con robot biết nhận thức trong phim Ex Machina hay Westworld, nhưng chưa có robot nào đạt tới Trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI). Khi nói chuyện với phóng viên, Sophia lần lượt sử dụng các dòng phản hồi viết sẵn như một robot tán gẫu. Khi phát biểu, nó biểu diễn cứng ngắc giống như robot ở Hội trường Tổng thống của khu vui chơi Disney World.
Đối với độ phủ sóng rộng khắp của Sophia, các nhà nghiên cứu AI chỉ trích cơ quan truyền thông vì tán dương quá mức những khả năng của con robot. "Đây là trò tung hứng AI", Yann LeCun, nhà khoa học hàng đầu về AI ở Facebook, nhận xét sau bài phỏng vấn của trang Tech Insider với con robot.
Đáp lại, nhóm kỹ sư chế tạo Sophia cho rằng chỉ riêng biểu cảm của nó đã biểu trưng cho thành tựu lớn. Mạng lưới neuron sâu cho phép con robot phân biệt những cảm xúc của một người từ ngữ điệu và biểm cảm gương mặt người đó để phản ứng lại.
Sophia cũng có thể bắt chước dáng điệu của mọi người, và tạo ra cử động mặt thích hợp. Hanson đã xin cấp bằng sáng chế lớp da bao phủ gương mặt Sophia.
Một sinh viên ở Đại học Hong Long tham gia buổi thiền với Sophia. (Ảnh: Giulio Di Sturco).
"Tôi sẽ không gọi bất kỳ đặc điểm nào trong số này là AGI, nhưng để làm được như vậy cũng không đơn giản", nhà nghiên cứu AI Ben Goertzel, người thiết kế bộ não của Sophia, trả lời phỏng vấn với The Verge. “Nó vô cùng vượt trội về mặt tích hợp nhận thức, hành động và hội thoại".
Đối với Di Sturco, tất cả tạo thành chủ thể nhiếp ảnh đầy hấp dẫn: một cỗ máy có thể trông vô cùng giống con người nhưng đồng thời hoàn toàn không có sức sống. "Nó bắt đầu nhìn tôi và mỉm cười, và tôi nhìn lại nó. Vào khoảnh khắc đó, đối với tôi nó không phải con người nhưng có gì đó giống như sự kết nối".