Những chuyến đổ bộ sao Hỏa của các tàu thăm dò tự động chưa tìm ra bất cứ sinh vật sống nào, nhưng một số nhà khoa học Anh vẫn cho rằng có gần 38.000 hành tinh trong vũ trụ có thể nuôi dưỡng sự sống.
|
Hành tinh nằm trong dải Ngân hà và cách trái đất khoảng 20.000 năm ánh sáng này được cho là một trong số gần 38.000 hành tinh có thể có sự sống. Ảnh: Daily Mail. |
Nhà vật lý thiên văn Duncan Forgan của Đại học Edinburgh (Scotland) và đồng nghiệp tạo ra một chương trình máy tính để phân tích dữ liệu về khoảng 330 hành tinh mà con người đã biết. Họ quan tâm tới các yếu tố như nhiệt độ, mức độ sẵn có của nước và các khoáng chất. Mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm hiểu số lượng hành tinh có thể chứa sinh vật sống. Họ đưa ra ba kịch bản hình thành sự sống và tính toán khả năng cho từng kịch bản.
Kịch bản thứ nhất được xây dựng dựa trên giả thiết: Sự sống trên các hành tinh có khởi đầu cực kỳ khó khăn nhưng lại phát triển nhanh chóng. Với giả thiết đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy 361 hành tinh có thể điều kiện phù hợp cho sự sống. Theo kịch bản thứ hai thì sự sống bắt đầu dễ dàng nhưng gặp vô vàn khó khăn trong quá trình phát triển. Số lượng hành tinh có sự sống theo kịch bản này lên tới 31.513.
Kịch bản thứ ba - theo đó sự sống có thể “nhảy” từ một hành tinh tới nhiều hành tinh khác với sự giúp đỡ của các thiên thạch - cho thấy có tới gần 38.000 hành tinh đủ điều kiện để sự sống hình thành và phát triển. Chưa hết, sự sống ngoài trái đất không tồn tại dưới dạng đơn bào, mà là những sinh vật đa bào có cấu trúc phức tạp và khả năng tư duy như con người.
Dunca cho rằng con người sẽ phải chờ thêm 300-400 năm nữa mới có thể liên lạc với các nền văn minh khác trong vũ trụ. Ông nói:
“Tôi tin rằng vũ trụ có ít nhất 361 nền văn minh. Đó có thể là những nền văn minh giống như chúng ta hoặc cao cấp hơn. Tuy nhiên, số lượng hành tinh có sự sống có thể cao hơn. Chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào, vì phần lớn các hành tinh mà chúng ta biết đều ra đời trước trái đất”.