Sự sống trên Trái Đất có thể đến từ vũ trụ

  •  
  • 2.373

Một số nhà khoa học tin rằng sao chổi đã mang các nguyên liệu cần thiết để hình thành sự sống trên Trái Đất cách đây khoảng 4 tỷ năm.

Những giả thuyết về khởi nguồn của sự sống trên trái đất

Thuyết Panspermia, đưa ra lần đầu năm 1871, từng được coi là thiếu thực tế nhưng hiện tình hình đã thay đổi, theo New Scientist. Thuyết này cho rằng sự sống được đưa đến Trái Đất bởi các sao chổi và thiên thạch.

Luận điểm ủng hộ thuyết Panspermia tăng lên gần đây, phân tử nước và hữu cơ được tìm thấy trong sao chổi bay qua hệ Mặt Trời. Thậm chí, có người còn cho rằng sự sống được hình thành sẵn và đưa tới Trái Đất, nơi có điều kiện phát triển hoàn hảo.

"Tôi cho rằng việc coi sao Hỏa như nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất là khả dĩ", Pete Ward, nhà sinh vật học thuộc Đại học Washington ở Seattle, nói. Ông này cũng cho rằng nếu tìm được bằng chứng minh chứng cho nguồn gốc của sự sống là từ ngoài Trái Đất thì sẽ có những tác động rất lớn đến các quan điểm khoa học và tôn giáo.

Sự sống trên Trái Đất có thể đến từ vũ trụ
Thuyết Panspermia cho rằng sao chổi mang theo các thành phần cơ bản của sự sống đến Trái Đất. (Ảnh minh họa: Creation Wikipedia).

"Đó sẽ là một cú sốc lớn. Đối với một số quan niệm tôn giáo chính thống, chỉ một nơi duy nhất tồn tại sự sống, đó là Trái Đất".

Rất nhiều nhà khoa học cho rằng sự sống đột ngột xuất hiện trên Trái Đất khoảng 3,8 tỷ năm trước, đúng vào thời điểm xuất hiện các điều kiện hoàn hảo để thúc đẩy sự sống phát triển.

Giáo sư Chandra Wickramasinghe, một nhà sinh vật học vũ trụ thuộc Đại học Buckingham và là người ủng hộ thuyết Panspermia, tin rằng Trái Đất liên tục trao đổi các vật chất hữu cơ và vật chất sống với các hành tinh thuộc các hệ mặt trời lân cận.

Trong một bài báo trên tờ Astrobiology (Sinh vật học vũ trụ) phát hành đầu năm nay, giáo sư Wickramasinghe và đồng nghiệp đã lý giải cách sự sống được đưa đến Trái Đất.

"Ước tính có khoảng 140 tỷ hệ hành tinh trong riêng thiên hà của chúng ta, hầu hết đang được liên kết với các "sao lùn đỏ". Khoảng cách trung bình giữa các hệ hành tinh phù hợp với sự sống chỉ là một vài năm ánh sáng. Do khoảng cách này là tương đối ngắn nên các hành tinh có thể kết nối với nhau bởi bụi, các mảnh vỡ, thiên thạch và sao chổi".

Nói một cách đơn giản là khi các sao chổi đi "du lịch" qua các hành tinh, nó có thể gửi lại các "hành khách" là phân tử, sinh vật.

Theo biểu đồ thể hiện các sao H-R, "sao lùn đỏ" nhỏ và có nhiệt độ thấp. Chúng chiếm đại đa số trong các sao và có khối lượng chưa tới một nửa khối lượng Mặt Trời và có nhiệt độ bề mặt chưa tới 3.500 K.

Sự sống trên Trái Đất có thể đến từ vũ trụ
Mẫu "vi sinh vật" thu thập được ở trận mưa sao băng Perseid năm 2013. (Ảnh: Tạp chí Cosmology).

Wickramasignhe và đồng nghiệp - tiến sĩ Milton Wainwright - lấy dẫn chứng là những gì còn sót lại của những "vi sinh vật" được một khí cầu thu thập ở độ cao 26 km trong tầng bình lưu trong trận mưa sao băng Perseid năm 2013. Họ cũng nghiên cứu vật chất trên thiên thạch, phát hiện có các cấu trúc tương đồng với vi sinh vật hóa thạch.

Ngay cả các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng tin rằng tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ngoài hệ Mặt Trời chỉ là vấn đề thời gian.

NASA đã sử dụng các thiên thạch mô phỏng bắn vào không gian và để chúng bay lại vào bầu khí quyển. Kết quả cho thấy ADN và một số bào tử vi khuẩn có thể sống sót trong nhiệt độ cực cao và áp suất cực lớn khi bay vào bầu khí quyển Trái Đất.

Điều này đã góp phần củng cố và làm cơ sở cho thuyết Panspermia. Một số nhà khoa học hàng đầu, trong đó có giáo sư Stephen Hawking – cha đẻ của Thuyết vạn vật và là người tìm ra hố đen, hồi tháng 7 đã ủng hộ một kế hoạch trị giá 100 triệu USD để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Theo VnExpress
  • 2.373