Sự thật gây sốc: Tổ tiên quái thú của chúng ta đáng sợ hơn khủng long bạo chúa

  •  
  • 867

Phân tích mới về quái thú Whatcheeria với nhiều phần hài cốt từng xuất hiện trên đất Mỹ đã khiến các nhà cổ sinh vật học phải gọi nó là kẻ săn mồi siêu phàm.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Communications Biology, thực hiện bởi Đại học Chicago (một viện đại học nghiên cứu ở Illinois) và Bảo tàng Field (Mỹ) đã "nâng cấp" độ nguy hiểm của con quái thú Whatcheeria gây tò mò này.

Whatcheeria nổi tiếng nhất với hóa thạch một chiếc đầu lâu đáng sợ khai quật từ Iowa, được xác định là đã 340 triệu tuổi, tức thuộc kỷ Than Đá. Sau kỷ Than Đá là kỷ Nhị Điệp rồi mới tới kỷ Tam Điệp (khủng long sơ khai xuất hiện cuối kỷ này), kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng (thời hoàng kim của khủng long bạo chúa T-rex).


Chiếc đầu lâu quái thú được khai quật ở Iowa - Ảnh: BẢO TÀNG FIELD

Như vậy, sinh vật có hình hài giống khủng long này cổ xưa hơn T-rex rất nhiều nhưng cũng giống như T-rex, là chúa tể của thế giới quái thú cổ đại.

Nó nhỏ hơn T-rex với thể hình gần giống cá sấu, có thể nằm gọn trong một chiếc bồn tắm nếu cuộn lại, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra một điều khiến nó nguy hiểm hơn bội phần: Sự phát triển siêu tốc khi còn trẻ.

Theo tiến sĩ Ben Otoo, đồng tác giả của nghiên cứu, khác hoàn toàn với bò sát hiện đại trưởng thành một cách chậm rãi và bền vững, các Whatcheeria cổ đại nhanh chóng đạt đến tầm "quái thú" ngay trong giai đoạn đầu đời.


Hình ảnh đồ họa mô tả lại "chân dung" vị tổ tiên quái thú kỷ Than Đá của chúng ta và các động vật bốn chân khác - (Ảnh: BẢO TÀNG FIELD)

Nghiên cứu mới cũng phơi bày các rãnh xương trong hộp sọ, là nơi dành cho các cơ quan cảm giác cùng kiểu với cá và động vật lưỡng cư, cho thấy nó sống dưới nước. Xương chân cứng cáp giúp nó thu mình lại và dễ dàng chờ đợi con mồi bơi qua.

"Có lẽ nó đã dành nhiều thời gian ở gần đáy sông và hồ, lao ra ngoài và ăn bất cứ gì nó thích. Bạn chắc chắn có thể gọi thứ này là T-rex của thời đại đó" - tờ SciTech Daily dẫn lời tiến sĩ Otoo.

Mặc dù Whatcheeria trông giống kỳ nhông khổng lồ nhưng hoàn toàn không liên quan tới nhóm này, mà là một phần của dòng dõi cuối cùng đã tiến hóa thành động vật có bốn chi ngày nay - tức bao gồm chúng ta.

Tiến sĩ Ken Angielczyk, người đồng thời phụ trách Bảo tàng Field, đồng tác giả của nghiên cứu, kết luận: "Điều đó có nghĩa là nó có thể giúp chúng ta tìm hiểu về cách thức các động vật bốn chân - bao gồm chúng ta - đã tiến hóa".

Cập nhật: 02/12/2022 NLĐ
  • 867