Tại sao ông Vladimir Putin khóc khi đứng trước toàn thể dân Nga nhân dịp tái đắc cử tổng thống? Giọt nước mắt của Tổng thống Mỹ Obama khi phát biểu về an ninh súng đạn sau hàng loạt vụ xả súng đẫm máu ở nước này mang ý nghĩa gì?
Những phát hiện, lý giải khoa học gần đây cho thấy, nhiều định kiến thâm căn cố đế về nước mắt đàn ông cần được thay đổi.
Giáo sư Ad Vingerhoets - chuyên gia về nước mắt, bác sĩ tâm lý của Đại học Tilburg (Hà Lan), tác giả cuốn sách "Vì sao chỉ có con người biết khóc: Làm sáng tỏ bí ẩn của những giọt nước mắt" - đã tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về nước mắt với sự tham gia của hơn 5.000 người ở 37 quốc gia. Kết quả cho thấy, những nguyên nhân gây khóc chủ yếu giống nhau giữa đàn ông và đàn bà như mất người thân, khi tan vỡ cuộc tình hoặc khi nhớ nhà. Tuy nhiên, phụ nữ thường có xu hướng khóc vì các vấn đề trần tục như những cuộc cãi vã, sự phê bình và có khi đơn giản là chiếc máy tính bị hỏng, vì cảm giác mình bất lực.
Trong khi đó với đàn ông, khóc thường là phản ứng trước những sự kiện mang tính tích cực, tốt đẹp, chẳng hạn như khi đội bóng của mình giành chiến thắng, khi bản thân thành công hoặc đạt được một thành quả nào đó sau những nỗ lực không ngừng nghỉ. Điều này lý giải một phần vì sao trong bài phát biểu trước toàn thể dân Nga sau khi tái đắc cử, Tổng thống Vladimir Putin đã khóc.
Một nghiên cứu do hãng sản xuất khăn giấy Kneelex tiến hành năm 2004 chỉ ra rằng, những người đàn ông mang nhiều nét tính cách điển hình của phụ nữ thường có xu hướng khóc nhiều hơn so với các anh chàng "đậm chất đàn ông".
Giây phút Tổng thống Mỹ Barack Obama nghẹn ngào khi nhắc đến vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook. (Ảnh: IBTimes).
Nhà sinh học về tiến hoá Oren Hasson thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) cũng đưa ra một giả thuyết để giải thích việc một số nhà lãnh đạo khóc trong bài phát biểu của mình. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama khóc khi phát biểu về việc cần có những biện pháp quản lý súng đạn gắt gao hơn sau những vụ xả súng kinh hoàng ở nước này. Theo Hasson, trong trường hợp này, nước mắt là biểu hiện của sự tổn thương. Những giọt lệ có thể làm giảm tầm nhìn của ai đó, khiến họ trở nên bớt mạnh mẽ, không còn giống như một người hiếu chiến. Nó có thể khiến kẻ thù cho rằng người đó không thực sự là mối đe doạ, từ đó dễ nảy sinh ra sự cảm thông và tình thương. Nước mắt khi đó là phương tiện kéo những người đàn ông lại gần hơn với đối tượng tiếp xúc của họ, hình thành nên một mối gắn kết.
Theo tiến sĩ sinh học William H. Frey, với định nghĩa khóc là tình trạng từ nước mắt rưng rưng tới thổn thức, mỗi tháng đàn bà khóc trung bình khoảng 5,3 lần, trong khi đàn ông khóc 1,3 lần.
Vì sao lại có hiện tượng này? Nguyên nhân chính được cho là bởi hàm lượng hormone. Trong khi testosterone - loại hormone có nhiều hơn ở đàn ông - giúp kiềm chế nước mắt thì hormone prolactin - hiện diện nhiều hơn ở phụ nữ - lại có thể khiến việc sản sinh ra nước mắt trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nhân chủng học của Mỹ những năm 1960, phụ nữ có ống dẫn nước mắt ngắn và nông hơn nên dễ rơi lệ hơn. Trong khi đó, ống dẫn nước mắt của đàn ông dài và điều này có thể là nguyên nhân khiến cánh mày râu ít khóc.
Trong nghiên cứu của mình, Giáo sư Vingerhoets phát hiện, phụ nữ khóc tới 30-64 lần mỗi năm, trong khi con số này ở nam giới chỉ vào khoảng 6-17 lần.
Về thời gian khóc, 66% số nam giới được hỏi tiết lộ mỗi lần rơi lệ của họ kéo dài chưa đầy 5 phút, 24% nói họ sẽ nín được sau 6-15 phút. Với phụ nữ, tỷ lệ tương ứng là 43% và 38%.
Tỷ lệ khóc "dai" 16-30 phút ở phụ nữ là 11%, cao hơn gấp đôi mức 5% của nam giới. Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với những trường hợp "vẫy gió tuôn mưa" đến cả tiếng đồng hồ. Giáo sư Vingerhoets giải thích: "Việc đàn ông và đàn bà khóc khác nhau chủ yếu bắt nguồn từ sự khác biệt trong cách bày tỏ cảm xúc trong những tình huống phát sinh cảm xúc".
Một số nguyên nhân khác giải thích vì sao phụ nữ khóc nhiều hơn đàn ông - theo quan điểm của Vingerhoets: Thứ nhất, phụ nữ tiếp nhận và đánh giá những tình huống gây xúc cảm khác với đàn ông và thường có xu hướng rơi lệ trong những tình huống họ cảm thấy mình vô dụng; thứ hai, phụ nữ và đàn ông có "ngưỡng khóc" khác nhau, thay đổi tuỳ thuộc vào yếu tố tâm lý và thể chất như tình trạng ốm đau, thiếu ngủ và cả nồng độ hormone.
Cũng theo nhà nghiên cứu Vingerhoets, đàn ông ít khóc hơn phụ nữ là do khả năng kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc đa số bé trai ít khi bắt gặp cảnh bố mình rơi lệ và bởi xã hội cho rằng đàn ông khóc là một biểu hiện của sự yếu đuối, không chấp nhận được. Dần dần, điều này vô tình ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và ứng xử của các bé trai khi lớn lên.
Trong một bài viết đăng tải trên báo Independent (Anh), cây bút Chris Hemmings cho rằng, hằng tháng có hàng trăm đàn ông Anh phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi những nỗi thống khổ. Nỗi đau đớn trở nên quá sức chịu đựng do họ không được phép bày tỏ cảm xúc của bản thân hay những lo lắng về sức khoẻ tâm thần. Những cái chết này sẽ không xảy ra nếu đàn ông tự cho phép mình rơi lệ.