Kỷ nguyên vũ trụ được bắt đầu vào tháng 4/1961, khi nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin bay vào quỹ đạo Trái đất. Nhưng 6 tháng trước chuyến bay đó, trạm radio trên mặt đất đã bắt được tín hiệu bí ẩn với lời cầu cứu từ vũ trụ gửi về. Liệu chính phủ Liên Xô lúc đó có che giấu sự thật này hay không?
Yury Gagarin (8/3/1934 -27/3/1968) tại tỉnh Smolensk, làng Krushinno (nay là thành phố Gagarin). Khi cậu bé Yury chào đời, các bà đỡ ở nhà hộ sinh nói rằng một người đàn ông chân chính không nên sinh ra vào ngày Quốc tế Phụ nữ. Thế là trong giấy khai sinh, nhà du hành vũ trụ tương lai được “ấn định” sinh vào ngày 9 tháng 3.
Yuri Gagarin - người mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.
Từ năm 1973, cứ vào ngày này người ta lại tổ chức những cuộc hội thảo, những buổi liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao để kỉ niệm ngày sinh Gagarin. Còn ngay tại ngôi làng anh đã sinh ra, người ta tiến hành nghi lễ uống nước từ chính cái giếng trong vườn nhà Gagarin thuở xưa.
Cũng như đối với hầu hết những con người huyền thoại, vinh quang của Gagarin được dệt nên bởi những nỗ lực phi thường của bao người kết hợp những phẩm chất cá nhân cùng những sự tình cờ nho nhỏ của riêng anh.
Để xác định ứng cử viên cho cái “chân” phi công vũ trụ đầu tiên, “bố già” Sergey Korolyov khó tính đã phải lặn lội trên nhiều nẻo đường của đất nước Liên Xô để tìm ra một nhóm 20 phi công xuất sắc nhất của toàn bộ Quân chủng Không quân Liên Xô.
Từ 20 người, ông “gút” lại một tổ 6 người. Nói một cách công bằng, Thượng uý phi công tiêm kích Yury Gagarin không phải là người nổi trội nhất. Xét về năng lực chuyên môn, người đó là Vladimir Komarov (hi sinh ngày 23/4/1967 khi hạ cánh từ tàu vũ trụ Soyuz).
Thế nhưng, vị Tổng công trình sư đã lựa chọn Gagarin do có ấn tượng rất tốt đẹp về chàng trai này ngay từ đầu: Trước khi bước vào cabin luyện tập, anh đã cẩn thận tháo bỏ tất chân. Theo quan niệm của Korolyov, người tử tế bao giờ cũng trân trọng mọi người, mọi thứ và ông đã không nhầm.
Yuri Gagarin đã không có một lời phát biểu nào đến thời khắc lịch sử khi con người bay vào vũ trụ đó. Vào lúc 9 giờ 7 phút (theo giờ Moscow) ngày 12/4/1961, tiếng động cơ rú lên bên trong thiết bị mang tên lửa tàu vũ trụ “Vostok-1”. Lúc đó Yuri Gagarin chỉ thét lên: “Xuất phát!”. Sau đó ông đã hoàn thành bay một vòng quanh Trái đất mà không gặp phải vấn đề đặc biệt nào. Đến lúc 11 giờ, nhà du hành vũ trụ đã hạ cánh thành công cạnh làng Smelovka thuộc tỉnh Saratov.
"Hậu quả đối với chính sách và truyên truyền quốc tế là rất lớn, bởi lẽ các nhà du hành vũ trụ Mỹ chỉ mong được lần đầu tiên bay vào vũ trụ” - nhà văn, chuyên gia nghiên cứu vũ trụ H. J. P. Arnold đã viết như vậy trong cuốn sách của mình có nhan đề “Con người và vũ trụ”.
Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trong trang phục phi hành gia. (Ảnh: RIA Novosti)
Sau khi phóng vệ tinh lên vũ trụ vào năm 1957, có vẻ như Liên Xô đã nắm toàn bộ phần thắng về mình. Lúc đó Liên Xô có thiết bị mang tên lửa hiện đại, các chuyên gia hàng đầu như tổng công trình sư Sergei Korolev và cả hệ thống chính quyền mà tại đó nhiệm vụ đặt ra không được nhắc tới và tất cả những gì không cần thiết được che giấu một cách kỹ lưỡng.
Như vậy, thế giới đã không được biết trong quá trình chuẩn bị cho sứ mệnh vũ trụ có xảy ra thiệt hại về con người không. Một phi công đã tử nạn trong khi thử nghiệm hệ thống ghế nhảy dù cho tàu “Vostok” và một phi công khác là Valentin Bondarenko cũng đã bị thiêu cháy trong khi tập luyện tại trong buồng tiêu âm.
Người ta im lặng luôn cả sự cố tàu thử nghiệm không người lái ngày 23/7/1960 và về việc ngày 01/12 năm đó một con tàu mang theo các chú khuyển đã bốc cháy khi bay vào bầu khí quyển, về việc thất bại trong vụ phóng một con tàu ba tuần sau đó, trước chuyến bay của Gagarin chỉ vẻn vẹn vài tháng…
Tuy nhiên, một số chuyến bay khác diễn ra trước đó cũng đã thành công. Trong thời gian đó, người ta đã tiến hành thử nghiệm cả việc liên lạc giữa tàu vũ trụ với Trái đất bằng các thiết bị ghi âm. Những ai ở phương Tây đã theo sát ngành nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô đều bối rối trước việc, tàu “Vostok” về kích thước, công suất và các bộ phận kết cấu chính không khác mấy so với các vệ tinh do thám lúc đó cũng đang bay quanh Trái đất. Việc thay đổi chúng trên màn hình radar lúc đó là không hề khó khăn.
Thế giới đã không biết đến họ tên của các nhà du hành vũ trụ được đào tạo để thực hiện sứ mệnh quan trọng. Hơn nữa, cũng chẳng ai biết thời gian mà mục đích của các chuyến bay trù bị.
Tuy nhiên, trước hết chính người Nga đã sai lầm trong việc để xảy ra một số tin đồn. Đó là những tin đồn về các sự cố chết người khi luyện tập và về những người bị sa thải do không chấp hành kỷ luật. Khi người Mỹ trở thành đầu tiên lên Mặt Trăng thì giới tuyên truyền của Liên Xô bắt đầu khẳng định rằng, Liên Xô hoàn toàn không đưa ra mục tiêu đó. Kết quả là, nhiều người bắt đầu không còn tin vào những thành tựu thực thụ của Liên Xô nữa.
Trong những năm 1960, không chỉ những người chuyên nghiệp, mà còn cả những người yêu thích điện đài cũng muốn nắm bắt và nghe được tín hiệu của các thiết bị vũ trụ của Liên Xô. Trong đó, người xuất sắc là hai anh em người Italy Achille và Giovanni Battista Judica-Cordigliovi.
Năm 1957, tại một boongke cũ của người Đức còn sót lại sau Thế chiến thứ hai cách không xa thành Turin, họ đã xây dựng nên một trạm điện đài. Mặc dù chỉ là những trang thiết bị rẻ tiền, nhưng hai anh em đã đạt được những kết quả nhất định, thậm chí còn khiến một số người chuyên nghiệp ganh tị: người Italy không những cho thế giới thấy những tín hiệu từ các vệ tinh của Liên Xô và Mỹ, mà còn có thể ghi âm lại chúng.
Với sự giúp đỡ của những người yêu thích, họ đã lập ra mạng lưới có thể xác định chính xác vị trí của đối tượng gửi đi tín hiệu. Kết quả công việc của những người yêu thích điện đài này đã được NASA ghi nhận, sau đó họ cũng đã được NASA mời đến tận nơi xem các trang thiết bị.
Hai anh em người Italy khẳng định rằng, ngày 28/11/1960, tức là 6 tháng trước chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin, họ đã bắt được tín hiệu về việc cầu cứu.
Họ nói rằng, có một điều gì đó tương tự cứ lặp đi lặp lại và đến ngày 2/2/1961, khi họ nhận được bản ghi âm nhịp tim không đều của con người. Không lâu sau chuyến bay của Yuri Gagarin, ngày 17/5/1961, hai em anh người Italy thậm chí còn ghi lại giọng nói của người phụ nữ trao đổi với trạm mặt đất. Vì cuộc nói chuyện này mà tàu vũ trụ đã bị mất tấm lá chắn bảo vệ nhiệt và đã bốc cháy khi trở về bầu khí quyển.
Bản ghi âm bằng tiếng Nga hiện nay cũng có trên internet. Ngay sau đó, ngày 23/5/1961, Hãng thông tấn TASS cho hay, trên những lớp dày đặc của khí quyển đã bốc cháy một vệ tinh tự động cỡ lớn. Mặc dù không thành công trong việc tiến hành kiểm định thông tin này qua các nguồn độc lập, nhưng trong khoảng thời gian đó (ngày 20/5) các tín hiệu không rõ xuất phát từ đâu đã được kính thiên văn vô tuyến Jodrell Bank của Anh ghi lại.
Các nhà khoa học nghiên cứu về tần số tín hiệu của nước này đã xác định rằng, đó là vệ tinh “Venera-1” của Liên Xô, được phóng lên sao Kim ngày 4/10. Thiết bị này đã bị mất tích không lâu sau khi nó bay vào quỹ đạo của Trái đất.
Phần lớn các chuyên gia đều kiên quyết không đồng tình với khẳng định của những người yêu thích điện đài người Italy. Họ cho rằng, hai anh em người Italy đã lý giải không đúng tín hiệu từ các vệ tinh không người lái, và đương nhiên là không đáng tin cậy nếu ghi nhận thành quả của họ với tín hiệu từ những sứ mệnh khác.
Một số người nghi ngờ Yuri Gagarin không phải là người đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh chinh phục vũ trụ. Họ khẳng định rằng, thực ra nhà du hành vũ trụ đầu tiên trở về Trái đất là phi công bay thử nghiệm Vladimir Ilyushin, con trai của một nhà chế tạo máy bay huyền thoại Liên Xô.
Ilyushin sinh ngày 31/3/1927. Ông là phi công bay thử nghiệm tại Ban thiết kế của hãng “Sukhoi”. Tháng 7/1959 ông đã lập kỷ lục thế giới trên máy bay chiến đấu ở độ cao 28.857 mét và đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Nhưng sau đó đã bắt đầu xảy nhiều điều kỳ lạ đối với chàng thanh niên trẻ Ilyushin. Chỉ hai ngày trước chuyến bay của Gagarin, tờ Daily Mail của Anh đã đăng bài viết của phóng viên Dennise Ogden tại Moscow khẳng định rằng, Liên Xô đã hoàn thành một chuyến bay có người lái vào vũ trụ, mà trong thời gian đó phi công đã bị thương nặng.
Ngày hôm sau, nhà báo Pháp Eduard Brobovski đã gửi từ Moscow thông tin cho biết, phi công này chính là Vladimir Ilyushin. Sau đó Gagarin bay lên, và nhà báo Brobovski cho biết, đây hoặc là không phải sự thật, hoặc là một kế sách đánh lạc hướng nhằm che giấu sự thất bại trước đó.
Đáp lại những thông tin của nhà báo Eduard Brobovski, Hãng thông tấn TASS ngày 01/5 cho hay, Ilyushin trước đó đã gặp tai nạn nghiêm trọng và hiện đang được điều trị ở Trung Quốc. Người ta cho rằng, có một gã tài xế say xỉn đã tông trực diện vào xe của ông.
Gagarin, người may mắn hơn, đã trở thành lựa chọn thay thế cho Ilyushin. Lẽ ra Ilyushin đã thực hiện thành công chuyến bay vào ngày 7/4/1961 trên con tàu mang tên “Russia”?
Người ta đưa ra giả thuyết, việc tập luyện cho chuyến bay quá vội vàng đã khiến nhà du hành vũ trụ Ilyushin bị ngất đi trên quỹ đạo. Từ Trái đất người ta không thể làm cho ông hồi tỉnh trở lại được, nên trung tâm điều hành bay đã thông qua một quyết định duy nhất có thể, đó là bắt đầu vận hành máng tháo tự động.
Những con tàu “Vostok” đã được thiết kế theo cách thức để nhà du hành vũ trụ trước khi hạ cánh phải tự phóng mình ra ngoài. Và để làm vậy thì có lẽ chỉ khi trong trại thái bất tỉnh. Vậy nên Ilyushin đã rơi tự do cùng buồng lái và đã bị chấn thương nặng. Vì điều kiện bất lợi đó mà chuyến bay đã được đáp xuống Trung Quốc.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học nghiên cứu về vũ trụ đã bác bỏ giả thuyết nói trên, bởi lẽ việc xuất hiện một con tàu lớn trên quỹ đạo khi đó không hề ảnh hưởng đến các trạm của Mỹ. Khi các tài liệu lưu trữ của Nga lộ ra ngoài, người ta đã tìm thấy trong tủ rất nhiều thông tin, nhưng câu chuyện xảy ra với Ilyushin thì lại không có ở đó. Vladimir Ilyushin sau đó đã làm lên đến chức đại tướng, lập nhiều kỷ lục mới và được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ông mất ngày 01/3/2010 vừa qua.