Một sinh vật có tên khoa học là Leontopithecus rosalia trông bề ngoài đúng là sư tử nhưng kỳ thực bên trong chỉ là động vật linh trưỡng khá hiền lành nên gọi là "Sư tử trên cây".
Loại sư tử trên cây này thường sống thành từng nhóm nhỏ, di chuyển nhanh nhẹn qua các cành để kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu là trái cây, côn trùng, thằn lằn, trứng chim và kể cả chim nhỏ. Khi buồn ngủ thì chui vào hốc cây để ngủ.
Trông hình dáng bên ngoài rất giống sư tử, Leontopithecus rosalia cũng có bờm như sư tử đực, bộ lông màu vàng rất đẹp; mặt không có lông, đôi tai nằm ẩn dưới lớp lông vàng; bàn tay và bàn chân dài. Một đặc điểm lạ là các ngón cũng có móng giống móng vuốt, trừ ngón cái lớn là có móng dẹt.
Mùa sinh sản từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Sau khi mang thai từ 132 đến 134 ngày, con mẹ sinh được một hoặc hai con non, hiếm khi sinh ba con cùng lúc.
Đối với sư tử thật thì sư tử đực đảm nhiệm phần chăm sóc bảo vệ cho sư tử con khỏi bị làm mồi cho lũ linh cẩu háo thịt non. Ở loài sư tử trên cây thì sư tử đực cũng làm nhiệm vụ là một ông bố chăm sóc kỹ lưỡng con non, chỉ trừ những lúc mẹ cho chúng bú. Lúc con non bắt đầu ăn thức ăn cứng thì sư tử bố mẹ còn biết làm cho thức ăn mềm ra bằng cách dùng các ngón tay bóp mềm thức ăn.
Con non bắt đầu chuyền cành tự lập kiếm ăn lúc 3 tháng tuổi. Con đực trưởng thành có chiều dài thân mình khoảng 0,5m; đuôi dài khoảng 0,4m; nặng khoảng 0,7kg. Tuổi thọ của loài sư tử này trung bình khoảng 10 năm.
Loài Leontopithecus rosalia đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì mất nơi sinh sống trong tự nhiên, do con người phá hoại môi trường sống của chúng. Nhưng loài này lại đang được nuôi dưỡng tốt ở nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Hồi đầu thế kỷ 20, số lượng sư tử trên cây trong thiên nhiên bị giảm sút trầm trọng do bị người ta truy bắt hàng loạt để đem nuôi trong các vườn bách thú. Chính vì vậy nên hiện nay chúng có cơ hội tồn tại và tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Trong thiên nhiên, loài sư tử trên cây phân bố chủ yếu ở khu vực núi rừng ven biển Brazil.