Thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thần đồng, tài năng và trí tuệ của họ được bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ, vượt xa trí tưởng tượng của con người. Rất nhiều trong số họ đã trở thành những người vĩ đại góp phần không nhỏ vào sự thay đổi của thế giới.
Tài năng âm nhạc của nhà soạn nhạc huyền thoại người Áo đã nhanh chóng được bộc lộ sau khi được sinh ra. Vào năm lên 3 tuổi, Mozart đã có thể chơi đàn Clavico (một dạng đàn tương tự như piano, với kích cỡ nhỏ hơn), đến năm 6 tuổi, nhạc sĩ thiên tài này đã viết được bản hợp âm đầu tiên, tiếp đó là bản giao hưởng đầu tiên vào năm 8 tuổi và nhạc kịch opera vào năm 12 tuổi.
Vào năm 5 tuổi, Mozart đã được biểu diễn đàn piano tại trường Đại học Salzburg (Áo) và một năm sau đó là biểu diễn tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Viên của nước Áo. Ở năm 14 tuổi, Mozart được mời đến Ý để sáng tác nhạc Opera tại đây. Mozart qua đời vào năm 35 tuổi và để lại hơn 600 tác phẩm khác nhau.
Sinh ra tại Dublin, Ireland vào năm 1805, William Rowan Hamilton đã cho thấy trí tuệ siêu phàm của mình rất sớm, khi mới 5 tuổi, ông đã có thể nói thông thạo tiếng Latin, Hy Lạp và Do Thái. Vào năm 13 tuổi, nhà toán học tương lai này đã có thể nói được 13 thứ tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Phạn, Ba Tư, Ý, Ả Rập, Syria, tiếng địa phương Ấn Độ…
Không chỉ thể hiện trình độ về ngôn ngữ, Rowan Hamilton còn bộc lộ tài năng về toán học từ rất sớm. Ở tuổi 15, Hamilton đã phát hiện ra các lỗi trong khi nghiên cứu về công trình của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Pierre Simon.
Rowan Hamilton có nhiều đóng góp trong việc phát triển lý thuyết về động lực học và quaternions, một phương pháp được sử dụng cho không gian ba chiều trong toán học. Ông là nhà toán học vĩ đại nhất được phong tước Hiệp sĩ ở Ireland vào năm 1835 và qua đời vào năm 1865.
Sinh năm 1881 tại Tây Ban Nha, Pablo Picasso đã phát triển kỹ năng hội họa của mình từ rất sớm, với sự giúp đỡ của người cha cũng là họa sĩ, năm 15 tuổi, Picasso đã trình làng bức tranh bằng sơn dầu của mình tại Barcelona, với tên gọi “Buổi hiệp thông đầu tiên”.
Năm tiếp sau đó, bức tranh “Khoa học và lòng nhân từ” đã giúp Picasso đạt được huy chương vàng trong cuộc thi vẽ tranh nghệ thuật tại Malaga (Tây Ban Nha) và giúp ông góp mặt với vai trò khách mời danh dự tại triểm lãm quốc gia về mỹ thuật diễn ra tại thủ đô Madrid trong năm này.
Đầu thế kỷ 20, Picasso đã sáng lập ra phong cách nghệ thuật vẽ tranh lập thể và tiếp tục sáng tạo ra những kiệt tác cho ngày nay. Họa sĩ thiên tài này qua đời tại Pháp năm 1973.
Từ năm 8 tuổi, William James Sidis đã chứng minh được tài năng toán học thiên phú của mình bằng cách phát triển một bảng logarit mới dựa trên con số 12 và đã có một bài giảng tại trường Đại học Harvard một năm sau đó.
Thần đồng toán học này cũng đã lập nên kỷ lục thế giới cho người trẻ tuổi nhất học và tốt nghiệp đại học, khi đặt chân vào trường đại học Harvard vào năm 11 tuổi và tốt nghiệp 5 năm sau đó.
Sidis được coi là người thông minh nhất từng sống trên trái đất, với chỉ số thông minh IQ ước tính trong khoảng từ 250-300.
Trước khi bộc lộ tài năng về toán học, Sidis đã tự mình học cách để đọc và nhanh chóng thông thạo 8 loại ngôn ngữ khác nhau và bắt tay viết sách từ năm 7 tuổi.
Sau một tuổi thơ với những trải nghiệm khó tin, Sidis lại trải qua một tuổi trưởng thành khá bình lặng. Sau khi trưởng thành, báo chí không ngừng săn đuổi ông, tuy nhiên Sidis quyết tâm tìm sự riêng tư. Ông từ bỏ toán học và chuyển sang viết sách. Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ. Sidis qua đời vì xuất huyết não vào năm 1944.
Sinh năm 1939 tại Bangalore, Ấn Độ, là con của một người dạy thú, Shakuntala Devi bắt đầu tình yêu với những con số thông qua những lá bài mà bà thường chơi với cha mình từ năm 3 tuổi.
Biệt danh “người máy tính” và “phù thủy toán học” được gán cho Devi sau khi bà thể hiện trình độ toán học siêu việt của mình tại trường đại học Mysore và Annamalai khi còn còn là một đứa trẻ.
Tài năng của Devi đã giúp bà nhiều lần được vinh danh trong sách kỷ lục Guiness, chẳng hạn khi bà có thể tính nhẩm kết quả căn 23 một con số có 201 chữ số…
Năm 2006, Devi xuất bản cuố sách với tiêu đề “Mảnh đất thần tiên của những con số”, viết về câu chuyện của một cô bé gái thể hiện tình yêu với những con số, cũng chính là câu chuyện về cuộc đời bà.
Năm 1957, Robert “Bobby” Fischer trở thành nhà vô địch cờ vua thế giới từ năm 14 tuổi, và là kiện tướng trẻ tuổi nhất vô địch tại giải đấu danh giá này. 1 năm sau đó, Fischer tiếp tục phá một kỷ lục mới khi trở thành đại kiện tướng trẻ tuổi nhất thế giới, ở tuổi 15.
Trước đó, khi mới 13 tuổi, Fischer đã chơi một ván cờ cầm quân đen và thắng Kiện tướng người Mỹ Donald Byrne. Ván cờ này về sau được chọn là “ván cờ thế kỷ”.
Năm 1972, Robert Fischer được xếp hạng cao nhất trong lịch sử môn cờ vua, với thứ hạng FIDE đạt 2785.
Năm 1992, Fischer đã đấu một trận cờ vua với đại kiện tướng người Nga Spassky tại Nam Tư, khi đó đang bị Liên Hợp Quốc cấm vận, điều này đã khiến Fischer trở nên phạm pháp và phải trốn tránh các nhà chức trách trong suốt 12 năm tiếp theo, trước khi bị bắt giữ vào năm 2004 tại Nhật Bản. Sau đó, Fischer được trả tự do vào năm 2005 và được cấp quốc tịch. Fischer qua đời tại Iceland vào năm 2008.
Sinh năm 1942, Theodore Kaczynski được biết đến với biệt danh "Unabomber", nổi tiếng như một thần đồng và được phép học tại trường Đại học Harvard từ năm 16 tuổi. Trước đó, Kaczynski đã có chỉ số thông minh IQ 167 khi mới học lớp 5.
Sau khi tốt nghiệp Harvard, Kaczynski tiếp tục nhận được bằng tiếng sĩ toán học tại trường Đại học Michigan, nơi mà luận án tiến sĩ của ông phức tạp đến nổi các giáo sư ở đó phải thừa nhận rằng không thực sự hiểu hết được nó.
Ở tuổi 25, Kaczynski trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất tại trường Đại học California, tuy nhiên đã từ chức sau đó 2 năm, chuyển đến sống cùng với bố mẹ và cuối cùng đến sống tại một cabin hẻo lánh ở trong rừng. Kaczynski đã quyết định bắt đầu một chiến dịch đánh bom thư sau khi nhìn thấy các vùng đất hoang quanh nhà của mình bị phá hủy bởi sự phát triển.
Trong gần 20 năm, từ 1978 đến 1995, Kaczynski đã gửi 16 quả bom thư đến nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm cả các trường đại học, các hãng hàng không… giết chết 3 người và làm bị thương 23 người.
FBI đã liệt kê Kaczynski vào 1 trong 100 tên tội phạm nguy hiểm nhất và đã tiến hành một chiếc dịch điều tra gắt gao. Hiện Kaczynski đang phải chịu một án tù chung thân không được ân xá sau khi bị bắt giữ vào năm 1995.
Ở tuổi lên 3, Kim Ung-Yong đã bắt đầu được tham gia các lớp học về vật lý với vai trò sinh viên khách mời tại trường đại học Hanyang, Hàn Quốc. Đến năm 8 tuổi, Kim được cơ quan vũ trụ Mỹ NASA mời sang học tại Mỹ.
Sinh năm 1962, thần đồng trẻ tuổi này bắt đầu biết nói vào 4 tháng tuổi, và 2 năm sau đã có thể đọc được tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Anh. Kim Ung-Yong đã được tổ chức sách kỷ lục Guiness trao tặng danh hiệu người có chỉ số IQ cao nhất, với 210 điểm.
Năm 16 tuổi, Kim rời khỏi NASA và quyết định quay trở lại học đại học tại Hàn Quốc và nhận bằng tiến sĩ về kỹ thuật dân sự. Kim hiện đang là giáo sư tại trường Đại học Chungbuk (Hàn Quốc) từ năm 2007 và đã xuất bản hơn 90 bài viết khác nhau trên các tạp chí khoa học.
Năm 1999, cậu bé Gregory Smith lúc đó 10 tuổi đã nhận được học bổng có thời hạn 4 năm của trường đại học Randolph-Macon, trị giá 70 ngàn USD. Sau đó, Gregory tốt nghiệp hạng ưu tại trường đại học này, chuyên ngành khoa học, lịch sử và sinh học.
2 năm sau đó, Smith đã được gặp gỡ cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu tổng thống đầu tiên của Liên Xô Mikhail Gorbachev và có buổi diễn thuyết trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau đó đã được đưa vào danh sách để cử cho giải thưởng Nobel Hòa bình.
Sau đó, Smith đã tiếp tục được đề cử cho giải Nobel Hòa bình thêm 3 lần nữa, vì các công việc nhân đạo của mình tại Đông Timor, Sao Paolo, Rwanda và Kenya.
Vào năm 16 tuổi, Smith tiếp tục đăng ký học tại trường Đại họ Virginia, để học tập cho học vị tiến sĩ các chuyên ngành toán học, kỹ thuật hàng không vũ trụ, quan hệ quốc tế và nghiên cứu y sinh.
Colin Carlson đã tự học đọc và viết từ khi mới biết đi, rồi tốt nghiệp trường trung học trực tuyến của đại học Stanford vào năm 11 tuổi.
Vào năm 9 tuổi, Carlson bắt đầu tham gia các khóa học của trường Đại học Connecticut, sau đó ghi danh vào học chính thức tại đây vào năm 12 tuổi. Cậu bé hiện đang đạt số điểm trung bình xuất sắc về chuyên ngành sinh thái học, sinh học tiến hóa và nghiên cứu môi trường.
Hiện Carlson đã thành lập và điều hành một tổ chức môi trường, với các hoạt động và chiến dịch bảo vệ môi trường, chống lại sự nóng lên của trái đất.
Mới 8 tuổi, Jacob Barnett đã bắt đầu theo học tại trường đại học Indiana. Với chỉ số IQ lên đến 170, thậm chí còn cao hơn nhà bác học thiên tài Albert Einstein, thì theo các giáo sư hàng đầu tại trường đại học Indiana tin tưởng rằng, cậu bé sẽ giành được giải thưởng Nobel trong tương lai.
Mặc dù bị mắc chứng bệnh tự kỷ ở dạng nhẹ, tuy nhiên điều này dường như không làm ảnh hưởng đến trí tuệ của cậu bé. Theo mẹ của Jacob chia sẻ thì con trai của mình đã có thể giải được các bài toán đại số, lượng giác, hình học chỉ sau 2 tuần tự mình tìm hiểu và học các môn này.
Kể từ khi nhập học tại trường đại học Indinana, Jacob đang theo học các lớp học vật lý thiên văn cao cấp và nghiên cứu phát triển lý thuyết tương đối của Einstein. Jacob Barnett cho biết đang tham vọng để khám phá bí mật về lý thuyết vụ nổ Big Bang, vụ nổ được tin là nguồn gốc của vũ trụ.
Sinh năm 1993, ngay từ năm 7 tuổi, Akrit Jaswal đã có thể cầm dao mổ để thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên, trở thành bác sĩ phẫu thuật và là sinh viên nhỏ tuổi nhất tại Ấn Độ.
Ở tuổi 13, Arkit có chỉ số IQ 146, và được xem là người có chỉ số IQ cao nhất trong độ tuổi thiếu niên tại Ấn Độ, đất nước 1 tỷ dân. Phòng ngủ của Akrit chất đầy sách về y học, và sở thích của cậu bé này là tranh luận về chính trị với những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều.
Hiện 17 tuổi, Arkit có thể nói 4 thứ tiếng khác nhau và đang hoàn tất khóa học thạc sĩ về chuyên ngành hóa học ứng dụng.