Tại sao bạn lại có cảm giác xấu hổ?

  •   52
  • 5.567

"Đừng xấu hổ, hãy cứ mạnh dạn làm quen với cô ấy", bạn có thấy lời khuyên này quen thuộc không?

Xấu hổ, ngượng ngùng là một cảm giác khó chịu, là điều mà nhiều người khuyên bạn nên tránh. Nó xuất hiện trên tất cả mọi người, mọi nền văn hóa. Vậy tại sao con người, sinh vật thông minh thống trị Trái Đất, lại duy trì cảm giác xấu hổ của mình?

Có lý thuyết cho rằng xấu hổ là một sự cố của tiến hóa, thậm chí là bệnh lý đối với loài người. Nhưng hóa ra không hẳn vậy. Một nghiên cứu mới của Đại học California, Hoa Kỳ chỉ ra cảm giác xấu hổ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó liên quan đến sự sinh tồn của con người trong quá khứ và duy trì nhiều yếu tố văn minh trong xã hội hiện đại.

Trong quá khứ, không biết xấu hổ bạn sẽ chết

Đừng xấu hổ, hãy cứ mạnh dạn làm quen với cô ấy.
Đừng xấu hổ, hãy cứ mạnh dạn làm quen với cô ấy.

Như bạn đã biết, “cảm giác đau của cơ thể có một chức năng. Nó hạn chế chúng ta làm tổn hại thêm các mô”, nhà tâm lý học tiến hóa Daniel Sznycer của Đại học California, Hoa Kỳ cho biết. Tương tự, “chức năng của sự xấu hổ là ngăn chặn chúng ta làm tổn hại các mối quan hệ xã hội, hoặc thúc đẩy chúng ta hàn gắn chúng khi gặp vấn đề”.

Theo các nhà nghiên cứu, sự xấu hổ mang một sức mạnh và xuất hiện từ thời tiền sử. Nó ép buộc con người hành xử để người khác chấp nhận mình trong cộng đồng. Ở thời điểm này, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh tồn của con người.

“Tổ tiên của chúng ta đã từng sống thành các cộng đồng nhỏ. Họ hợp tác và sinh sống bằng hái lượm và săn bắn. Trong thời đại này, cuộc sống của bạn phụ thuộc vào những người khác trong cộng đồng định giá bạn. Họ sẽ xem liệu có xứng đáng để cung cấp cho bạn và con cái bạn thực phẩm, sự bảo vệ và chăm sóc hay không”, nhà nhân chủng học John Tooby, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

“Bạn càng được đánh giá cao bởi các cá nhân khác, phúc lợi của bạn càng có khả năng được quan tâm. Bạn sẽ được giúp đỡ nhiều hơn và ít làm hại hơn”, Tooby nói. Ngược lại, khi giá trị của bạn giảm trong cộng đồng, họ sẽ giúp bạn ít hơn và làm tổn hại nhiều hơn.

Vì vậy, cảm giác xấu hổ ngăn chặn bạn đưa những tín hiệu khiến người khác đánh giá thấp bạn. Bạn nói dối, che đậy sự thật, sự yếu kém của mình vì xấu hổ. Bởi đó cũng là sự sinh tồn của chính bạn. Giả sử không hề biết xấu hổ, bạn sẽ chết. Các nhà khoa học gọi đó là “lý thuyết mối đe dọa thông tin xấu hổ”.

Xấu hổ trong xã hội hiện đại

Trong xã hội tiền sử, không biết xấu hổ bạn sẽ chết.
Trong xã hội tiền sử, không biết xấu hổ bạn sẽ chết.

Cho tới cuộc sống hiện đại, đánh giá của xã hội không còn ảnh hưởng lớn đến sự sinh tồn của một cá thể. Mặc dù vậy, chức năng của cảm giác xấu hổ vẫn không hề thay đổi. Các nhà nghiên cứu mô tả nó cung cấp cho bạn động lực để đưa ra quyết định. Xấu hổ khiến bạn không kích hoạt một hành vi mà sẽ làm giảm giá trị của mình trong mắt người khác. Nói theo một cách hiện đại, nó là giữ thể diện.

Ví dụ, bạn có cảm thấy xấu hổ không khi mặc đồ ngủ ra đường, khi phải van xin người khác. Đa phần chúng ta đều cảm thấy e ngại. Trong trường hợp này, cơ chế xấu hổ hạn chế nhiều hành vi như vậy phổ biến trong xã hội.

“Điều quan trọng ở đây là gì?”, Sznycer nói. “Đó là xã hội tổ tiên của chúng ta đã lập trình xấu hổ thành một chương trình thần kinh. Nó từ xưa đến nay vẫn khiến bạn quan tâm xem người khác đánh giá ra sao về mình. Cảm giác xấu hổ thúc đẩy bạn tránh hoặc che giấu những điều, khiến người khác đánh giá thấp về bạn”.

Để đo lường chính xác xem cảm giác xấu hổ đang hoạt động như thế nào trong xã hội hiện đại, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với 900 người tham gia. Họ đến từ 3 quốc gia: Hoa Kỳ, Ấn Độ và Israel.

Một nhóm những người tham gia được yêu cầu đánh giá người khác, dựa trên hành vi của họ, trong một số kịch bản hư cấu. Các hành vi này dẫn đến sự mất giá trị, bao gồm: keo kiệt, phản bội, thể chất yếu đuối… Nhóm còn lại được hỏi về cảm giác của chính họ, khi thể hiện những hành vi này. Họ có cảm thấy xấu hổ không, và nếu có thì nó tồi tệ đến mức nào?

Kết quả của nghiên cứu được báo cáo trong Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mỹ. Nó cho thấy xấu hổ là một cảm xúc đồng điệu với sự đánh giá của người khác. Nó vẫn giữ trong mình ý nghĩa vốn có đó. “Chúng tôi quan sát thấy một sự kết nối rất chặt chẽ giữa sự mất giá trị trong mắt người khác và cường độ của xấu hổ”, Cosmides nói.

Xấu hổ được điều chỉnh đặc biệt với từng cộng đồng địa phương.
Xấu hổ được điều chỉnh đặc biệt với từng cộng đồng địa phương.

Một đặc điểm quan trọng khác, vì nghiên cứu thực hiện trên 3 nhóm cộng đồng ở 3 quốc gia khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể so sánh một cách rất khách quan. “Chúng tôi nghĩ rằng xấu hổ được điều chỉnh đặc biệt đối với cộng đồng địa phương”, Cosmides nói.

Điều đó có nghĩa là một số hành vi được cho là đáng xấu hổ ở cộng đồng này có thể không quan trọng ở cộng đồng khác. Lí do bởi bạn sống ở đâu có nghĩa là cần sự trợ giúp của những người ở đó. Bạn có thể thấy người Nhật luôn cúi đầu chào người khác, nhưng ở một số quốc gia không ai làm điều đó cả. Họ xấu hổ.

Mặc dù vậy, một số hành vi gây nên sự xấu hổ và đánh giá không khác biệt, ví dụ như keo kiệt, thiếu tham vọng, không chung thủy. Các nhà khoa học gọi đó là phản ứng “phổ thông”, không bị giới hạn bởi nền văn hóa.

Kết luận

Như vậy, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Hoa Kỳ đã giúp chúng ta giải mã một phần cảm giác xấu hổ của con người. Bạn có thể cảm thấy rất khó chịu khi ở trong tình trạng này. Xấu hổ khiến bạn không thể làm quen với một cô gái, không thể hát trước bạn bè của mình và đôi khi nói dối. Nhưng thật bất ngờ, vai trò của xấu hổ rất quan trọng.

Trong quá khứ, xấu hổ nghĩa là sự sinh tồn của con người và hiện tại nó góp phần duy trì sự văn minh trong xã hội. Hãy cứ thử tưởng tượng xem, một ngày mà chúng ta không ai biết xấu hổ thì mọi chuyện sẽ đảo lộn như thế nào?

Cập nhật: 31/08/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 5.567