Tại sao các biến thể virus corona được đặt tên quái lạ?

  •  
  • 517

20H/501Y.V2, VOC 202012/02, B.1.351 là những cái tên được đề xuất đặt cho biến thể virus corona được phát hiện ở Nam Phi. Vậy chuỗi ký tự, con số và dấu chấm có ý nghĩa gì?

Tránh "nhãn địa lý"

Đối với các nhà khoa học, mỗi ký tự trong những cái tên trên hoàn toàn có ý nghĩa hẳn hoi. Lấy ví dụ tương đối ngắn gọn, dễ nhớ là B.1.351, nếu một dấu chấm nào đó bị thiếu đi hoặc nằm ở vị trí khác thì nó sẽ ám chỉ một dòng virus khác hoàn toàn.

Thông qua báo đài, những biến thể virus đã và đang khiến hàng tỉ người trên thế giới lo lắng, sợ hãi và trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi. Những biến thể này cần đặt tên dễ đọc mà không gắn "nhãn địa lý" như "biến thể Nam Phi" hay tên người.

"Thách thức nằm ở chỗ phải đặt tên có thể phân biệt, giàu thông tin, không nhắc đến vị trí địa lý và dễ dọc, dễ nhớ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây thực chất là một bài toán rất khó", nhà dịch tễ học phân tử Emma Hodcroft tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) trả lời báo The New York Times.

Tại sao các biến thể virus corona được đặt tên gồm chữ và số?
Tại sao các biến thể virus corona được đặt tên gồm chữ và số? - (Ảnh: REUTERS)

Cô Emma và những chuyên gia cho biết giải pháp là sáng tạo ra một hệ thống đặt tên cho tất cả mọi người dùng chung nhưng phải kết nối với tên gọi chuyên môn mà các nhà khoa học dùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập một nhóm bao gồm hàng chục chuyên gia để nghĩ ra cách thức.

WHO cho biết những ý tưởng mới này vẫn đang trải qua xem xét từ nhiều đối tác trước khi phê duyệt chính thức. Theo hai thành viên của nhóm chuyên gia, "ứng cử viên" dẫn đầu khá đơn giản. Họ sẽ đánh số biến thể dựa trên thứ tự phát hiện: V1, V2, V3…

Việc đặt tên các dịch bệnh không hẳn luôn phức tạp như vậy. Ví dụ như bệnh giang mai (Syphilis) được đặt tên dựa trên một bài thơ năm 1530, trong đó nhân vật người chăn cừu Syphilus bị nguyền rủa bởi vị thần Apollo. Sau đó, kính hiển vi quang học được phát minh vào thế kỷ 16-17 mở ra một thế giới vi sinh, cho phép các nhà khoa học đặt tên chúng theo hình dạng.

Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc đã "xâm nhập" vào các tên bệnh. Trong những năm 1800, bệnh dịch tả phát tán từ Ấn Độ sang châu Âu, các báo Anh bắt đầu gọi nó là "dịch tả Ấn Độ", thậm chí minh họa căn bệnh này bằng nhân vật mặc trang phục truyền thống của Ấn Độ.

Mã hóa thông tin

Năm 2015, WHO đã yêu cầu đặt tên bệnh phải tránh vị trí địa lý hoặc tên người, loài động vật hoặc thức ăn và những khái niệm dấy lên nỗi sợ thái quá như "chết chóc", "đại dịch". Các nhà khoa học đã dựa vào ba hệ thống đặt tên ít cạnh tranh nhất: Gisaid, Pango và Nextstrain.

Họ đặt tên các biến thể khi nó gắn liền với đợt khởi phát bệnh mới, nhưng họ chỉ chú ý nếu chúng thay đổi hành vi, ví dụ như dễ lây như biến thể B.1.1.7 phát hiện ở Anh đầu tiên, hoặc nếu chúng bắt đầu kháng được miễn dịch như biến thể B.1.351 phát hiện ở Nam Phi.

Thông tin về gốc gác của biến thể được mã hóa bằng những ký tự và chữ số. Các biến thể "B.1" có liên quan đến đợt bùng dịch ở Ý vào mùa xuân năm ngoái. Một khi các thứ bậc dần trở nên "cồng kềnh" nếu dùng thêm số và dấu chấm, những biến thể mới sẽ được đặt chữ cái tiếp theo trong bảng chữ cái: B, C, D…

Thách thức lớn

Hệ thống đánh số của WHO được đánh giá là dễ hiểu, tuy nhiên thách thức lớn vẫn chính là làm sao dễ đọc, dễ nhớ hơn cả những nhãn địa lý như "virus Vũ Hán", "biến thể Nam Phi".

Các nhà khoa học phải cân bằng giữa việc đặt tên biến thể đủ nhanh để "qua mặt" những cái tên địa lý được công bố trên truyền thông và việc đủ cẩn trọng để không phí tên gọi cho những chủng kém quan trọng.

"Tôi không muốn có một danh sách dài đằng đẵng các biến thể được đặt tên theo hệ thống của WHO nhưng chỉ có ba trong số đó là quan trọng, còn 17 biến thể còn lại không đáng lưu tâm", chuyên gia Trevor Bedford cho nhận định.

Bất kể hệ thống nào được WHO phê duyệt cuối cùng, nó cần được chấp nhận bởi những nhóm khoa học khác nhau cũng như công chúng.

"Nếu không tạo ra tên gọi mà người ta dễ nói, dễ đánh máy, dễ nhớ thì sớm muộn họ cũng sẽ quay trở lại việc gọi tên địa lý", tiến sĩ Emma Hodcroft cảnh báo.

Cập nhật: 08/03/2021 Theo Tuổi Trẻ
  • 517