Tại sao chúng ta lại thích cảm giác sợ hãi?

  •  
  • 844

Lý do tại sao nhiều người thích cảm giác sợ hãi là một câu hỏi rất phức tạp, và câu trả lời cũng phức tạp không kém.

Những vụ tai nạn thương tâm. Một tương lai chính trị và kinh tế bất ổn. Chiến tranh hạt nhân. Nhện! Trong menu của "những gì được coi là đáng sợ ngày nay", có rất nhiều thứ để lựa chọn. Điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi: Tại sao người ta lại muốn nhiều hơn nữa? Tại sao mọi người thậm chí còn trả tiền để "được sợ", trong khi cuộc sống hàng ngày của chúng ta vốn đã có quá nhiều thứ đáng sợ?

Nhưng đó chính xác là những gì hàng bao nhiêu con người ngoài kia đang làm. Họ tìm kiếm những bộ phim kinh dị, những cuốn sách đáng sợ và những ngôi nhà bị ma ám. Họ trả tiền để "tiêu thụ" nỗi sợ hãi. Và rao bán nỗi sợ hãi là một hướng kinh doanh ngày càng mang lại lợi nhuận.

Ví dụ, số lượng phim kinh dị phát hành năm 1996 là bao nhiêu? - Chỉ là con số 7 ít ỏi. Trong năm 2017 thì sao?- 62 bộ phim kinh dị! Và nó bao gồm bộ phim không-hề-vui-vẻ-chút-nào "It" của Stephen King, cho đến nay đã bán được hơn 36 triệu vé và thu về hơn 320,8 triệu USD. 24 bộ phim kinh dị hàng đầu khác của năm 2017 đã bán được 100 triệu vé, và thu về hơn 600 triệu USD.

Sự sợ hãi xuất phát từ các bộ phim kinh dị là một cái gì đó đặc biệt.
Sự sợ hãi xuất phát từ các bộ phim kinh dị là một cái gì đó đặc biệt.

Nhưng đây không phải là điều gì mới. Từ năm 1960, các bộ phim kinh dị đã kiếm được hơn 13 tỷ USD (tương đương 24 tỷ USD sau khi điều chỉnh lạm phát tới năm 2017). Đó quả là một phi vụ bạc (nhiều) tỷ.

Và ngành công nghiệp xây nhà ma ám - vâng, chúng ta có thể gọi nó là một ngành công nghiệp hiện nay - cũng đang tận dụng niềm khao khát nỗi sợ của mọi người. Nó thu về hơn 300 triệu USD trong năm 2013. Công viên giải trí, một nơi khác để "tận hưởng" cảm giác thót tim, mỗi năm phục vụ 375 triệu người chỉ tính riêng Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, những sự sợ hãi xuất phát từ các bộ phim kinh dị, các chuyến xe cảm giác mạnh và thậm chí là những ngôi nhà ma là một cái gì đó đặc biệt - một kiểu sợ hãi khác hẳn với cảm giác khi chúng ta bị cướp, bị bắn hoặc bị truy đuổi trong thực tế. Và đó là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao chúng ta lại thích thú khi bị hù dọa? Vì ta biết chắc sự hù dọa này là không có thật.

Lo âu và sợ hãi

Đầu tiên, chúng ta cần phải biết là có rất nhiều từ (tiếng Anh) được dùng để miêu tả sự sợ hãi (và những khái niệm liên quan). Rất nhiều người nghiên cứu nó. Rất nhiều người đưa ra ý kiến. Chúng ta sẽ chia thành hai loại đơn giản: Anxiety - Lo âu và Fear - Sợ hãi.

Lo âu là điều khiến chúng ta thao thức mỗi đêm. Nó thường có trải nghiệm gần giống sự sợ hãi. Lo âu. Lo lắng. Bất an. Đó là những từ biểu thị chung một cảm giác, và cảm giác này xuất hiện khi chúng ta tập trung tâm trí vào một thứ có thể xảy ra trong tương lai nhưng chưa xảy ra: chiến tranh hạt nhân, tấn công khủng bố, thương tích hoặc cái chết của những người thân yêu, hôn nhân đổ vỡ, hoặc nhẹ nhàng hơn là... sáng mai thức dậy không có tiền ăn sáng. Tất cả những điều trên, khi bạn nghĩ về chúng, sẽ mang lại cảm giác lo âu.

Ngôi nhà ma.
Ngôi nhà ma.

Sợ hãi - còn có thể gọi là khiếp sợ, khiếp đảm, hoảng sợ... - là một thứ đơn giản hơn nhiều. Nó xuất phát từ những gì đang hiện diện ngay trước mặt chúng ta, ngay lúc này - một mối đe dọa tức thời đối với sự an toàn của chúng ta. Đây có thể là một kẻ giết người đeo mặt nạ lẻn vào nhà bạn, một con chó hung dữ chạy thẳng về phía bạn, hoặc khoảnh khắc khi một con nhện rơi vào vai bạn. Nó gây ra những thay đổi sinh học đáng kể, gần như tức thời, phản ứng "chiến đấu hay chạy" (Fight-or-flight) ngay lập tức được kích hoạt (chúng ta sẽ nói về nó sau).

Nhưng hơn nữa, để hiểu tại sao một người lại muốn trải nghiệm cảm giác sợ hãi, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng nó chứa các hiệu ứng bổ sung, mang lại các triệu chứng tương tự sự sợ hãi nhưng thường có kết quả thú vị.

Niềm vui đằng sau nỗi sợ

Margee Kerr là một nhà xã hội học nghiên cứu nỗi sợ hãi và là tác giả của cuốn sách "Scream!" Cô và đồng nghiệp của cô, Greg Siegle, Tiến sĩ kiêm giám đốc chương trình thần kinh nhận thức tại Đại học Pittsburgh, đã đưa ra một mô tả học thuật cho hiện tượng này là "sự tham gia tự nguyện với những kích thích tiêu cực cấp độ cao".

Nói cách khác, khi "đi xem một bộ phim đáng sợ hoặc trải nghiệm ngôi nhà ma ám", bạn cho phép bản thân cảm nhận được cảm giác sinh học của việc sợ hãi. Trải nghiệm tổng thể về sự sợ hãi có thể dẫn đến ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống của chúng ta. Trong một số trường hợp, nó thậm chí có thể cung cấp một số giá trị trị liệu cho những người mắc chứng lo âu.

Kerr nói: "Trải nghiệm vui vẻ khi sợ có thể mang lại chúng ta một cảm giác rằng chúng ta đã thành thạo về sự sợ hãi, nên sau đó chúng ta sẽ cảm thấy vui. Đó là một cơ hội để trải nghiệm cảm giác tất cả mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta".

 Trải nghiệm tổng thể về sự sợ hãi có thể dẫn đến ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống của chúng ta.
Trải nghiệm tổng thể về sự sợ hãi có thể dẫn đến ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống của chúng ta.

Vậy, trải nghiệm của chúng ta được xây dựng như thế nào?

  • Bước 1: Chúng ta quyết định trải nghiệm một hoạt động đáng sợ. Bước này, có lẽ là quan trọng nhất, sẽ định hình toàn bộ trải nghiệm của chúng ta. Lường trước được việc phải đối mặt với một cái gì đó đáng sợ, chúng ta tự nhận thức rằng mình đang kiểm soát mọi việc. Chúng ta cũng nhận ra sự an toàn vốn có trong việc này - rằng nếu chúng ta bước vào một ngôi nhà "bị ám", sẽ chẳng có ma quỷ nào nhảy ra giết chết chúng ta cả, phải không?
  • Bước 2: Có điều gì đó khiến chúng ta giật mình. Ví dụ: Hai cô gái sinh đôi yêu cầu chúng ta đến chơi với họ mãi mãi và mãi mãi (The Shining); cảnh sát nói với một người giữ trẻ rằng các cuộc gọi của kẻ giết người đến từ bên trong ngôi nhà (When A Stranger Calls nguyên bản).
  • Bước 3: Chúng ta trải nghiệm "chiến đấu hay chạy": Não chúng ta nhận được các kích thích rằng cơ thể đang gặp nguy hiểm, hệ thống thần kinh giao cảm của chúng ta sẽ khởi động các "bánh răng" trong cơ thể. (Đây là phản xạ có điều kiện để tổ tiên chúng ta ý thức tránh xa những con sư tử hung dữ). Cơ thể chúng ta liên tục được bơm adrenaline, dopamine, oxytocin, endorphins và nhiều nữa. Nhịp tim, huyết áp và tần suất hít thở của chúng ta tăng lên. Chúng ta đổ mồ hôi, bị nổi da gà. Trong một số trường hợp, chúng ta bất giác hét lên, nhảy cẫng lên và/hoặc bỏ chạy. Đừng lo lắng, tất cả đều hoàn toàn tự nhiên.

"Đây là bàn đạp cho để các hệ thống vận hành", Kerr nói.

Nhưng, trong một môi trường an toàn, nơi chúng ta chọn để trải nghiệm, điều quan trọng cần lưu ý là nó sẽ khác nhiều so với nguy hiểm thực sự. Và đó là những gì làm ta cảm thấy thú vị.

"Thậm chí quyết định đi hù dọa người khác cũng là vỏ bảo vệ chúng ta tạo ra cho chính mình", Kerr nói. "Trong tâm trí của chúng ta, chúng ta đang cởi mở để tham gia trải nghiệm này và đình trệ sự hoài nghi của mình. Hành động của chúng ta lúc đó là để phù hợp với bối cảnh đó. Tiếng hét có nghĩa là vui vẻ và không có gì là sợ hãi".

Và điều này dẫn đến ...

  • Bước 4: Chúng ta trải nghiệm sự hài lòng, ở mức độ sinh học. Hệ thống thần kinh giao cảm của chúng ta tự điều chỉnh, và nó khiến cho tất cả mọi thứ trở lại bình thường: nhịp tim, hơi thở, huyết áp, đổ mồ hôi và nhu cầu bỏ chạy biến mất.

"Điều này có thể cho cảm giác rất thư giãn", Kerr nói. "Đó là giai đoạn nghỉ ngơi và tiêu hóa. Chúng ta an toàn. Chúng ta có thể từ từ tận hưởng sự thỏa mãn và an tâm rằng nỗi sợ đã ở lại phía sau".

  • Bước 5: Lợi ích: Chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ. Những trải nghiệm này thường sẽ liên kết chúng ta với bạn bè và gia đình. Chúng ta tham gia cùng họ. Chúng ta đang xây dựng mối liên kết mạnh mẽ và một tình cảm gắn bó. Bản thân nó là một sự hài lòng. Kí ức của ta được xây dựng từ đó.

Vậy tại sao chúng ta lại chọn trải nghiệm những điều đáng sợ nhất định?

Đúng, sự sợ hãi mang lại những thay đổi về mặt sinh học và nó cho cảm giác "sướng", nhưng đó còn là cách để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn. Để tạo ra những kỷ niệm.

Trải nghiệm sợ hãi mang lại cho bạn một điểm dừng về tinh thần.
Trải nghiệm sợ hãi mang lại cho bạn một điểm dừng về tinh thần.

Kerr cũng lưu ý rằng một liệu pháp phổ biến cho những người hay cảm thấy lo lắng, đó là hãy làm điều gì đó để trải nghiệm nỗi sợ vừa đủ (nhưng an toàn) để kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm của họ.

Đó là một cảm giác thể chất rất tốt. Nó mang lại cho bạn một điểm dừng về tinh thần. Bạn trở nên nhạy bén hơn với cơ thể của bạn, bạn hoàn toàn bị phân tâm bởi một cái gì đó trong môi trường sống của mình. Và cuối cùng, bạn nhận ra rằng bạn đã sống sót sau một điều gì đó. Bạn đặt ra một thách thức, và bạn vượt qua. Nó sẽ làm bạn tự tin hơn.

Halloween đã đến rất gần rồi, bạn còn chờ đợi gì mà không rủ ngay đứa bạn thân hay người thân trong gia đình đi xem phim kinh dị hay khám phá nhà ma?

Cập nhật: 30/10/2018 Theo vnreview
  • 844