Tại sao cơm để qua đêm đổi màu đỏ?

  •   4,52
  • 2.790

Kết quả giám định mẫu gạo nấu thành cơm được cho là đổi màu khi để qua đêm, cơ quan chức năng không phát hiện chất lạ, không thay đổi màu sắc, cơm vẫn dẻo, mềm, màu trắng tự nhiên.

Trước đó ông Trần Quang Thái ở huyện Bình Chánh, TP HCM, phản ánh phát hiện cơm trong nồi đổi từ màu trắng sang đỏ quạch như máu sau khi để qua đêm. Gạo được ông mua gần chợ Bình Chánh. Hàng xóm thấy kỳ lạ nên lấy một ít gạo về nấu thử, để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng chuyển sang màu đỏ tương tự.

Cơm để qua đêm tự biến thành màu đỏ, theo phản ánh của người dân.
Cơm để qua đêm tự biến thành màu đỏ, theo phản ánh của người dân. (Ảnh: ĐH).

Nghi ngờ gạo đã bị ngâm hóa chất, ông Thái đưa lượng gạo còn lại đi giám định ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả ghi nhận: Ngoại quan các hạt gạo dài, màu trắng ngà, hơi trong. Các kỹ thuật viên sử dụng phương pháp phân tích bằng phổ hồng quang (IR) và phổ huỳnh quanh tia X (XRF) nhận thấy mẫu gạo có thành phần chính là carbohydrate, protein, ngoài ra không phát hiện các chất lạ khác. Tất cả gạo sau khi nấu chín mềm, dẻo, màu trắng, dù để qua đêm ở nhiệt độ phòng hay trong tủ lạnh, cơm vẫn không có hiện tượng đổi màu.

Đại diện trung tâm giám định kết luận "Mẫu nêu trên không chứa các hóa chất lạ, không có hiện tượng đổi màu so với màu tự nhiên của gạo và cơm sau khi được nấu chín". Tuy nhiên lượng mẫu quá ít, không đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa lý khác.

Dựa vào kết quả phân tích trên, tiến sĩ Phan Thế Đồng, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Hoa Sen, TP HCM, cho rằng hiện tượng cơm để qua đêm đổi màu mà người dân ở huyện Bình Chánh phản ánh có thể do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nhiễm vi khuẩn Serratia marcessens hoặc nấm mốc Monascus ở mức độ cao nên mới đổi màu nhanh. Thứ hai là trong quá trình bảo quản cơm có người cho nhầm nước canh hoặc nước luộc rau có màu như rau dền, củ dền vào nồi nên dẫn đến hiện tượng "đổi màu".

Vi khuẩn Serratia marcessens được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và vi khuẩn phát triển trên bánh mì.
Vi khuẩn Serratia marcessens được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và vi khuẩn phát triển trên bánh mì. (Ảnh: P.T.Đ).

Tiến sĩ Đồng giải thích vi khuẩn Serratia marcessens khi phát triển có thể sinh ra màu đỏ y hệt như "màu máu" như miêu tả của người dân ở huyện Bình Chánh. Loài này thường có mặt trong đất, nước, cây, động vật, phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt như sàn nước nhà vệ sinh, nhà tắm hoặc sàn nước nhà bếp. Đây là vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở mắt người như viêm kết mạc, viêm giác mạc, nhiễm trùng ống dẫn nước mắt, cũng có thể gây viêm tủy xương, viêm phổi, viêm não nhưng không phổ biến.

"Bức ảnh người dân chụp cho thấy chỉ có cơm trong hộp nhựa bị chuyển màu đỏ còn trong nồi thì không bị. Có thể cơm khi được cho vào hộp để cất thì bị nhiễm vi khuẩn này, gặp điều kiện thích hợp về độ ẩm và nhiệt độ chúng phát triển rất nhanh. Một loài vi khuẩn phổ biến trong một vùng có thể gây ra hiện tượng tương tự ở các gia đình", ông Đồng nhận định.

Tiến sĩ Đồng cho biết, một loại vi sinh vật khác cũng sinh ra sắc tố đỏ là nấm mốc Monascus. Loài này thường được nuôi cấy để lấy màu dùng trong thực phẩm hoặc lên men chao đỏ. Tuy nhiên màu này không giống với màu đỏ tươi của cơm như mô tả trên.

Cập nhật: 09/04/2016 Theo VnExpress
  • 4,52
  • 2.790