Tại sao con người nhẹ hơn ở một số nơi tại Canada?

  •   52
  • 411

Xung quanh vịnh Hudson ở Canada, các nhà khoa học phát hiện mọi vật đều nhẹ hơn so với mọi nơi khác.

Ở khu vực vịnh rộng gần 1,3 triệu km2, bạn mất khoảng 1/25.000 trọng lượng cơ thể. Giới nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện điều bất thường này vào thập niên 1960, khi lập bản đồ sự chênh lệch ở trường hấp dẫn của Trái đất. Nhưng họ mất hàng thập kỷ để tìm hiểu nguyên nhân, theo Mail.

Vịnh Hudson ở Canada
Vịnh Hudson ở Canada. (Ảnh: Express)

Bình thường, bạn nặng 68,0389 kg. Ở gần vịnh Hudson, cân nặng của bạn sẽ rơi vào khoảng 68,0361 kg. Câu trả lời cho điều bí ẩn này bắt đầu với thực tế lực hấp dẫn mà bất kỳ vật thể nào tác động lên vật thể khác tỷ lệ thuận với khối lượng của nó. Các nhà nghiên cứu sử dụng bộ đôi vệ tinh Gravity Recovery and Climate Experiment (GRACE) của NASA để lập bản đồ hai vùng dị thường trọng lực quanh vịnh biển lớn của Canada vào năm 2007 và xem xét chúng thay đổi như thế nào theo thời gian. Vùng dị thường trọng lực ở Canada đã được biết tới từ lâu và là kết quả từ biến dạng vỏ Trái đất ở kỷ Băng Hà cuối cùng, theo nhà vật lý Dan Britt, giám đốc Trung tâm khoa học Mặt Trăng và bề mặt tiểu hành tinh ở Đại học Trung tâm Florida.

Cách đây khoảng 20.000 năm, Canada và phần lớn Bắc Mỹ nằm bên dưới dải băng Laurentide, một sông băng trải rộng dày khoảng 3,2km ở khu vực gần vịnh Hudson. Lớp băng này đủ nặng để đè nén vỏ Trái đất. Quá trình tương tự cũng diễn ra ở nhiều nơi có dải băng dày. Chi tiết quá trình liên quan tới độ nhớt của lớp phủ.

Dưới sức nặng của dải băng Laurentide, vỏ Trái đất quanh vịnh Hudson bắt đầu nén lại và chìm xuống. Trong quá trình đó, nó đẩy trôi một phần magma nóng ở lớp phủ bán lỏng bên dưới. Lực nén mạnh nhất ở hai bờ vịnh Hudson, nơi có hai vòm khổng lồ hình thành trên dải băng. Sự thu hẹp dần dần của Laurentide trong 10.000 năm tiếp theo tạo ra nhiều cảnh quan ở Bắc Mỹ, bao gồm vùng Ngũ Hồ. Một số giả thuyết dự đoán phần magma nóng chảy bị xê dịch làm giảm lực hấp dẫn của Trái đất quanh vịnh Hudson, nhưng vệ tinh GRACE của NASA chỉ ra đó chỉ là một phần nguyên nhân. Giả thuyết về dải băng Laurentide và dữ liệu từ GRACE chỉ lý giải khoảng 25 - 45% chênh lệch lực hấp dẫn. Các nhà khoa học ước tính 55 - 75% còn lại liên quan tới giả thuyết về đối lưu.

Bên dưới bề mặt Trái đất, một dải đá nóng chảy gọi là magma tạo ra dòng đối lưu do sự dâng lên và chìm xuống từ nhiên của hợp chất sôi sục. Quá trình này kéo mảng kiến tạo của Trái đất vào bên trong, gây sụt giảm khối lượng và lực hấp dẫn của vùng vịnh Hudson. Các nhà nghiên cứu dự đoán lực hấp dẫn sẽ dần dần tăng trở lại ở Canada. Nhà địa vật lý Mark Tamisiea ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts, dự đoán cần khoảng 300.000 năm để lực hấp dẫn của khu vực bằng với mức trung bình toàn cầu.

Cập nhật: 19/05/2023 VnExpress
  • 52
  • 411